Làng Trang Liệt nằm trên mảnh đất phong quang “ sông núi quanh co sơn thủy hữu tình” gần nơi đô thị, thị tứ, thị trấn… giao lưu buôn bán, đường xá giao thông thuận tiện. Làng có hình tròn, diện tích dân cư là 57 mẫu, nằm sát khu rừng Sặt hình con “ Hổ, Rồng ôm bọc”, theo lưu truyền làng Trang Liệt là bọc trứng rồng.
Làng có thành ( lũy) tre xanh bao bọc. Bên ngoài thành có đắp tường đất dày 1m, cao 1,5m. Ở giữa trồng tre dày đặc… Bên trong thành đào hào rộng 2m, sâu 1,5m chung quanh là bờ tre… cho làng kín cổng cao tường. Lối ra vào làng, trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, là 4 cổng chính ở 4 hướng và 1 cổng phụ ( Cầu Phướng), tối đóng kín, tuần phiên, đêm hôm tuần tra canh gác bảo vệ an ninh thôn xóm. Các cổng chính đó là:
Hướng Đông là cổng né ( thuộc xóm Né), có giếng bán nguyệt và cây đa cổ thụ. Cổng Né xây dựng năm 1925, rất kiên cố, cao hai tầng để tuần phiên đêm ngủ và canh gác tuần tra.
Hướng Nam là cổng Bông ( cạnh ngôi miếu Bông), có cây xi cổ thụ, trước mặt là một dãy ao (Ba Ao) chạy dài. Cổng xây kiểu cổ, trên cổng có 4 chữ đại tự “ Xuất nhập tương hữu”nghĩa là “ Ra vào đều là bạn”.
Hướng Tây là cổng Tây, có giếng bán nguyệt và một cây đề đại thụ 700 tuổi. Cổng xây kiểu cổ, trên cổng có 3 chữ “ Xủ chư dự”, nghĩa là “ lấy mọi tiếng khen”.
Hướng Bắc là cổng Đá, có 2 cây đa cổ thụ trồng từ khi thành lập làng, sau 2 cây đó bị chết, nay mới trồng lại vào năm 1983. Cổng xây gạch kiểu cổ, trên cổng có 4 chữ “ Tiểu vãn đại lại”, nghĩa là “ Đi ít về nhiều”.
Hướng Tây Nam có cổng cạnh cầu Phướn, xây kiểu cổ có vòm, bề dày hàng mét bằng đất và tre, phía bên phải cổng là ao ông Cách, bên trái là bờ thành ông Âu. Cổng thiết kế kiểu cổ xưa, bên ngoài bằng 7 toang 10 x 10, cánh cửa gỗ lim dày 5cm. Vào thế kỷ XIX các cụ xây cổng này là để phân tách địa giới giữa 2 xóm Tây và xóm Phướn, để bảo vệ trật tự an ninh khu trung tâm làng. Năm 1936, ban hương hội tổ chức xây dựng kiến thiết, toàn bộ đường cái làng được xây gạch lát nghiêng và để thông thương 2 xóm Tây và xóm Phướn, dân làng nhất trí phá cổng cầu Phướn1.
1 Ban Hương công xây dựng đường làng khi đó gồm các vị chức sắc trong “ Hội đồng hương hội” và một số vị tộc biểu đại diện cho dòng tộc, trưởng ban là cụ Nguyễn Thế Thản, 1819. Đường gạch lát nghiêng rất bền tồn tại từ năm 1936 đến năm 2003, 67 năm. |