Trang chủ ĐỊA LÝ LỊCH SỬ & ĐỊA THẾ CỦA LÀNG Câu chuyện về “Rừng Sặt”

Câu chuyện về “Rừng Sặt”

Rừng Sặt có từ thời xa xưa ( trước Công Nguyên), diện tích ước độ trên 50 mẫu Bắc Bộ. Theo các cụ xưa truyền lại, khu rừng Sặt có nhiều cây lim, sến cổ thụ rất to; cây gai xấu hổ ( cây trinh nữ) dày chi chit; cây tầm xuân hoa nở trắng rằng, rất đẹp.

Cây Sến Còng

Rừng rất rậm rạp nên xưa kia người không vào được trong rừng. Từ sau thế kỷ thứ XVI, rừng mới quang đãng, dân vào kiếm củi, hót lá, chăn trâu… Một văn bản tại Trang Liệt đề ngày 2-11-năm Thành Thái 13 (1901) ghi rõ: “ Khu Sơn Lăng của xã nhất thiết nghiêm cấm chặt cây, đốn gỗ, gỗ chỉ dung vào việc xây dựng hay sửa chữa đình, đền, miếu… các công trình công cộng.

Vào các năm 1935, 1946, để sửa chữa đình đền, Ban hương công đã huy động dân hạ chặt những cây gỗ lim to, đường kính 2m – 3m để dùng cho công việc đó. Sau này, từ cuối những năm 50 cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, khi Trường Thể Dục Thể Thao về đóng ở rừng, rừng vẫn còn nhiều lim, sến… Cũng để sửa chữa đình, đền, địa phương đã trao đổi với lãnh đạo trường xin chặt hết số cây lim, sến, cúm còn lại để về trùng  tu toàn bộ ngôi đình đã bị xuống cấp. Những cây sến, cúm… không dùng được thì bán đấu giá cho dân làm củi, số tiền nhập vào quỹ của dân để sửa chữa đình. Hiện nay, rừng Sặt chỉ còn lại duy nhất một cây Sến Còng.

Rừng Sặt có hình con Rồng, chiều dài ước độ trên 800m. Đầu rồng là khu hàm rồng – đặt lăng bà Cống Quận, mồm ngậm hòn ngọc. Hai tai rồng, bên trái là bãi mả Ngò, diện tích 2 mẫu 2 sào Bắc Bộ; bên phải là bãi mả Mục ( thuộc xứ đồng Bính Hạ). Giữa là Rồng nằm ôm làng Sặt, có thế “ Hổ Rồng ôm bọc”, nghĩa là làng Trang Liệt là bọc trứng rồng. Rốn rồng là ao mả Đỉa hình tròn khoảng 3.000m2, thiên tạo. Đuôi Rồng là Rừng Con ( mả Bé) hình tròn khoảng 2.000m2, thiên tạo.

Rừng Sặt nổi lên 3 gò cao, đó là:

– Gò Đống Bến: ở phía bên phải vào rừng ( có cây tầm tước to). Quy vuông quả đồi hình tròn ước độ 2.000m2, đỉnh gò cao 60m. Dưới chân gò, chung quanh có nhiều cây lim, sến vừa và nhỏ, lên lửng chân gò cỏ vẫn mọc được; nhưng lên cao nữa và trên đỉnh gò, cỏ không mọc được, đất cứng trơ, mưa không bị sói. Năm 1942, quân Nhật đóng tại đây đã đào hầm hố, tăng xê. Năm 1959- 1960, trường trung cấp Thể dục Thể thao trung ương về đây, khi phá gò thấy có nhiều gạch cổ, lọ cổ… từ thời nhà Đông Hán.

– Gò Tổ Sơn: thấp hơn gò Đống Bến, ở phía bên trái đường vào trường học cũ. Gò hình tròn, có ước độ 1.500m2, cao độ 40m. Chung quanh gò và trên mặt gò đa số là cây cúm và cỏ mọc đều, thỉnh thoảng mới có bãi đất trơ.

– Gò Thấp: ở phía trước mặt, cách trường học cũ 50m về phía Tây, khu nhà ông Phan Đình Tài, Nguyễn Văn Năm. Gò này thấp, có cây bánh dày to và nhiều cây cúm, cây sến, cỏ mọc xanh tốt.

Rừng Sặt còn lại “ cây Sến Còng” cổ thụ, tuổi cả ngàn năm, ở cửa rừng, đường đi ra cửa Mả Cháy. Năm 1982, nhân dân Trang Liệt để lại cây Sến Còng như là một di tích sống để thế hệ con cháu mai sau hiểu biết về một thời có khu rừng Sặt không thể tách rời với làng Sặt. Từ khi trường Đại học Thể Dục Thể thao về đây, cây Sến Còng trở thành một điểm tâm linh sầm uất, được người dân trong làng và khu tập thể nhà trường xem như là thần rừng, thường đến lễ bái rất trang nghiêm.

Ý kiến bình luận