Trang chủ GIẢI TRÍ SÁNG TÁC CỦA BẠN Mùa xuân từ phía cổng làng

Mùa xuân từ phía cổng làng

Chả biết có phải thiên vị không, chứ tôi đã đi nhiều đồng đất xứ người, nhưng chả thấy đâu có đường làng, cổng làng đẹp như quê tôi.

Làng tôi, có tên nôm là Sặt Đồng. Còn tên gọi của nó, là làng Trang Liệt, thuộc phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng cách phủ Từ Sơn chưa đầy một cây số. Tiếng còi tàu xe lửa mỗi khi thổn thức vào ga phố huyện, lại vọng ngân mồn một trong mỗi ngõ xóm quê tôi. Theo sử sách ghi lại, làng tôi hình thành đã gần một nghìn năm. Giữa vùng đồng bằng trù phú, người dân quê tôi vốn chăm chỉ làm ăn. Đã vậy, lại sớm có tính năng động, vì thế thôn xóm sầm uất, giàu có. Theo các cụ lão làng kể lại, làng đổi thay từ thời Trần. Đình làng, đền làng có từ thời ấy. Đặc biệt, đường làng quê tôi sớm được quy hoạch rất đàng hoàng, thông thoáng, sạch sẽ. Khái niệm con đường làng quanh quanh, hoa cỏ nở rệ đất, như quá xa lạ với quê tôi. Vì con đường làng lát gạch nghiêng chạy suốt bốn ngõ xóm, quy tụ về đình làng, tạo ra vẻ đẹp trù phú khó tả. Theo phân bổ từ xưa, làng có năm xóm. Xóm Né, xóm Bông, xóm Đá, xóm Tây và xóm Phướn. Năm xóm, nhưng chỉ có bốn cổng làng. Bốn cổng làng mở ra bốn hướng, như mở rộng lòng hào phóng của người dân, đón nhận tinh hoa bốn phương quy tụ về làng. Kiến trúc bốn cổng làng bốn kiểu, mỗi cổng có vẻ đẹp riêng biệt. Cổng nào cũng được xây bằng gạch lục, gạch thất Bát Tràng. Gạch nung già, cánh gà, trụ cổng được xây trần, bắt mạch nổi, nom rất đẹp. Trên nóc cổng làng được khắc, đắp bức đại tự với nội dung khác nhau. Như cổng xóm Bông, có đắp nổi bốn chữ Xuất nhập tương hữu (Ra vào đều là bạn), ý muốn nói, làng luôn mở rộng bang giao. Trên nóc cổng xóm Đá, đắp nổi bốn chữ Tiểu vãng đại lai (Đi ít về nhiều), với mong muốn, làng làm ăn buôn bán luôn phát tài phát lộc. Điểm giống nhau, là cổng nào cũng được lắp hai cánh gỗ lim dầy, nặng, có then gỗ, toang gỗ bên trong chèn chắc chắn. Riêng cổng xóm Né, cổng chính của làng, lại xây hai tầng, có bậc thang ngoài trời dẫn lên chòi canh tầng hai. Cái chòi canh tuy chẳng cao là mấy, ấy mà tuổi thơ của tôi, hễ khi nào được theo bạn trẻ làng leo lên chòi gác này, là sướng vô cùng. Khi ấy, mắt thỏa nhìn bốn hướng. Tôi ngỡ như nhìn được mênh mang bốn phương trời tám phương đất của thiên hạ. Thú vị nhất là những ngày áp tết. Đứng trên chòi gác cổng làng nhìn dòng người đi chợ Phủ đổ về làng, người kĩu kịt gánh lá dong về gói bánh, người xách con gà trống mào đỏ như tiết, người vác những cành đào đang nở hoa, trẻ em tung tăng cầm những tờ tranh tết màu sắc rực rỡ, như thấy cả mùa xuân đang về làng. Ngày trước, như muôn ngàn thôn xóm đồng bằng khác, làng tôi được bao quanh lũy tre ken dày đặc. Đêm đêm, giới nghiêm, cánh cổng gỗ lim bốn cổng làng nặng nề đóng lại. Tiếng then gỗ chèn cổng khô khốc. Khi ấy, làng như cách biệt thế giới bên ngoài. Người dân như được nghỉ ngơi bình yên trong thế giới riêng của mình. Bốn cổng làng, đã tồn tại hàng thế kỷ. Ấy vậy, gần đây, người ta dỡ đi mất hai cổng xóm Né, xóm Tây. Tôi trở về làng, mà ngơ ngẩn tiếc. Mấy ông cán bộ địa phương giải thích, làng mở rộng, phải phá cổng làng, cho làng phát triển. Tôi chưa an tâm. Ừ thì làng mở mang, lũy tre bao quanh làng đã được đốn hạ, nhưng cớ gì phải phá dỡ cổng làng cổ kính kia chứ? Tôi yêu cổng làng như yêu những con đường lát gạch đỏ au chạy quanh năm ngõ xóm. Mà luật lệ bất thành văn tự bao đời, nhưng rất nghiêm cho mọi người. Ấy là hai tấm bia đá khắc hai chữ “hạ mã” dựng bên tả bên hữu cửa đền, sát trục đường làng. Người dân trong làng thì quen rồi. Hễ ai có đi ngựa đi xe, đến đấy đều xuống xe xuống ngựa, nghiêm cẩn đi bộ qua cửa đền, rồi mới dám lên xe lên ngựa đi tiếp. Chuyện kể rằng, xa xưa, có viên chánh tổng hách dịch về làng, ngông nghênh cưỡi ngựa vượt qua tấm bia “hạ mã”, về nhà bị đức thánh làng quật cho chết tươi. Truyền thuyết thực hư, tôi chả rõ. Nhưng tôi nhớ tuổi thơ, mỗi bận đi qua cửa đền, bao giờ tôi cũng khép nép, đi men đường làng theo tôn ti trật tự vô hình. Chả bù bây giờ, trai làng gái làng tóc xanh tóc đỏ, hễ qua cửa đền, lại rú ga ầm ĩ phóng xe máy vèo qua. Tuổi thơ của tôi gắn bó thân thuộc với con đường làng. Đấy là nơi dẫn tôi đi từ sân nhà, đến với bao người thân xóm trên ngõ dưới. Tôi không hình dung nổi các cụ quê tôi, tự đời nảo đời nào, đã biết bảo ban nhau xây nhà xây cửa cho theo hàng lối, để đường làng rộng rãi, thoáng đãng đường ngang ngõ dọc. Ai đã góp công tu tạo cho con đường gạch xây vỉa nghiêng hình xương cá bền chắc? Nghe nói, từ xa xưa, hễ ai muốn làm rể làng, là phải nộp treo cho làng mấy kiêu gạch tốt đủ xây đoạn đường. Lại nghe nói, thuở trước, làng có nhiều người giầu có, sẵn lòng hảo tâm công đức tiền bạc mua gạch thuê thợ xây đường cho làng khang trang. Tập tục quê tôi lại thật nền nã. Việc tu bổ làng xóm, không bổ đầu người gánh vác, mà để tùy tâm của mỗi người. Người khá giả, công đức nhiều. Người khó khăn, phát tâm ít, tùy theo khả năng của mình. Đường làng xây gạch nghiêng quê tôi hình thành từ nhiều nguồn như vậy, nên nó đồng đều, đồng bộ. Chạy dọc đường làng, là hệ thống cống thoát nước thật là hợp lý. Đường làng lát gạch, đương nhiên là đi lại thuận tiện rồi. Nhưng đường làng còn là cái sân phơi kéo dài cho mọi nhà trong xóm. Ngày mùa, đường làng lát gạch quét sạch, đổ thóc ra phơi. Khi thóc đã vào bồ, là rải rơm phơi cho nỏ, chờ ngày lên đống. Tôi còn nhớ những sớm theo mẹ gánh rơm ra rải đường. Tôi đã quen việc dùng liềm bổ đai, tõe rơm phơi cho mau nỏ. Đấy là ban ngày. Còn những đêm trăng thanh gió mát, đường làng biến thành cái sân khổng lồ cho bọn trẻ chơi. Những trò kéo co, nhảy dây, chơi ô ăn quan, thường được diễn ra trên những con đường dọc xóm. Tôi còn nhớ những ngày hội làng, việc tế lễ được diễn ra từ sân đền, rồi lễ rước kiệu gỗ, ngựa gỗ cùng tán lọng rực rỡ dọc đường làng. Tiếng trống thờ, tiếng kèn, tiếng thanh la, tiếng sáo tưng bừng xóm trên ngõ dưới. Hội làng có ban cung văn đi hát rất hay. Nhưng năm nào hội cũng đón văn công về diễn. Khi thì đoàn tuồng góp, khi thì đoàn chèo tỉnh bên. Thích nhất là những toán quan họ. Những vạt áo mớ ba mớ bảy, những chiếc ô lục soạn, những vành nón ba tầm cứ ngả nghiêng xóm này xóm kia, làm con đường làng thêm bao nỗi ngất ngây. Thú vị nhất là đi xem đám cưới. Thời còn nhỏ, tôi đã theo chúng bạn ngõ xóm đi chăng dây đón chú rể cô dâu. Hễ nhà trai nhà gái áo quần súng sính sắp đi qua, bọn trẻ làng tôi chạy đón đầu chăng dây chắn lối. Thể nào cô dâu chú rể cũng phải thưởng mấy đồng tiền lẻ, thì chúng tôi mới chịu thu dây, để hai họ đi về làm lễ vu quy. Đường làng quê tôi, cũng là nơi dẫn tôi đi xa. Tôi đi khỏi làng rất sớm. Ngày tôi xách túi quần áo đi ăn học xa nhà, mẹ tôi tiễn tôi tới cổng làng có cái chòi cao. Mẹ dừng lại, nhủ tôi, cố gắng chân cứng đá mềm con nhé. Rồi chiến tranh bùng nổ. Bao trai làng gái làng tiễn đưa nhau lên đường nhập ngũ. Con đường lát gạch nghiêng chạy quanh làng vang rền trống ếch tiễn người ra trận. Cổng làng phong rêu, nơi bao đôi trai gái hẹn ngày trở lại. Một đêm trăng suông, chị gái tôi, đứng khuất bên cổng làng khóc nén. Người yêu chị ra chiến trường không trở lại. Ấy mà con đường lát gạch nghiêng đỏ au sau mưa, người ta cũng cậy bỏ đi, đổ trùm bê tông. Đường làng lát gạch nghiêng, niềm tự hào một thời của tôi, người ta đã bóc đi thay bằng con đường bê tông nham nhở. Lại mấy ông cán bộ địa phương giải thích rằng, đấy là tiến lên hiện đại. Tôi chả rõ hiện đại tiện ích ra sao, chỉ thấy xót xa mỗi trưa hè nắng lửa, mẹ tôi chân trần chạy cho nhanh qua con đường bê tông hấp nhiệt bỏng rát. Tôi nhớ lời cha tôi thuở nào, nhất điền thiên vạn chủ. Các cụ xưa vẫn nói, vật đổi sao rời. Sao mỗi bận về thăm làng, hễ qua khu cổng Né, tuy không còn dấu vết, nhưng trong tâm trí tôi vẫn hiện rõ nguyên vẹn cái cổng làng tuổi thơ có chòi gác mà tôi thường leo lên để thả tầm nhìn tới chân trời xa xôi. Tôi đã đi xa bao đồng đất, ấy vậy, tôi như vẫn chưa đi hết chân trời tuổi thơ trên chòi cổng thuở nào. Nhìn đường làng bê tông chai lỳ, tôi lại nhớ con đường làng lát gạch nghiêng rực lên màu đỏ au sau mưa. Tôi ngỡ có tiếng gọi của mẹ tôi nơi cuối ngõ.

Tác giả: Ấp Trang Liệt

Ý kiến bình luận