Trang chủ GÓC NHÌN GÓC NHÌN TỪ CÁC BÁO Về nơi khởi xướng phong trào xây dựng làn văn hóa làng Trang Liệt

Về nơi khởi xướng phong trào xây dựng làn văn hóa làng Trang Liệt

Phong trào xây dựng làng văn hóa được khởi xướng từ năm 1989 tại làng Trang Liệt, xã Đồng Quang (Từ Sơn – Hà Bắc), nay thuộc phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh). Sau 20 năm, phong trào này đã lan toả khắp cả nước, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Trang Liệt đang ngày càng phát triển nhưng nét VH truyền thống của làng thì vẫn được gìn giữ


Theo sử sách, xưa, làng Trang Liệt thuộc đất Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Nơi đây được mệnh danh là vùng đất hiếu học với 8 vị đỗ đại khoa được lưu danh trên bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) và trên bia văn chỉ của làng. Đến nay, làng đã có hàng trăm cử nhân, hàng chục tiến sĩ, giáo sư và nhiều con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng.

Trang Liệt còn lưu giữ được nhiều di tích văn hoá lịch sử như đền, đình, chùa, miếu thờ, văn chỉ… Nhiều năm qua, các công trình này vẫn được chính quyền và người dân quan tâm sửa chữa, tu bổ. Đặc biệt, việc thực hiện theo quy ước, hương ước làng được tổ chức rất chặt chẽ.

Ông Ngô Hữu Sử, Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Trang Liệt cho biết: “Với mục đích lưu giữ, kế thừa, phát triển những giá trị vật chất tinh thần mà cha ông đã tạo dựng, đồng thời khắc phục những điểm yếu, làng đã xây dựng quy ước vào năm 1990. Bảy năm sau, làng sửa đổi bản quy ước lần thứ nhất. Đến nay, Trang Liệt đã 3 lần chỉnh sửa bản quy ước cho phù hợp với tình hình mới và quy mô phát triển của làng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá”.

Điều đặc biệt là trong khi tại nhiều địa phương khác, một số tập tục, truyền thống văn hóa đang có nguy cơ mai một hay chất lượng thực hiện các tiêu chí về phát triển văn hóa nông thôn còn thấp thì ở Trang Liệt điều này đã được khắc phục triệt để, bằng chứng là việc duy trì hoạt động Thư viện làng, thiết lập và thực hiện nghiêm túc trật tự riêng của làng, các quy định cụ thể trong việc cưới, việc tang. Một trong những mô hình xã hội hóa có hiệu quả nhất ở Trang Liệt chính là Thư viện làng. Được thành lập từ năm 1961, đến nay, thư viện đã có tới 8.000 đầu sách, 23 đầu báo và tạp chí, hoạt động đều đặn, phục vụ trên 500 độc giả có thẻ thư viện. Hàng năm, nhân dân trong làng tự nguyện đóng góp kinh phí để bổ sung đầu sách và tu sửa thư viện.

Sức sống lan tỏa

Theo ông Dương Bá Trường, Chủ tịch UBND phường Trang Hạ, sau 20 năm xây dựng làng văn hoá Trang Liệt, những nội dung mới của phong trào ngày càng đi vào chiều sâu. Hàng năm, phường còn mở hội nghị định kỳ với Ban vận động trong làng để tổ chức thực hiện các nội dung của phong trào xây dựng làng văn hóa, lắng nghe những khó khăn, kiến nghị, đề xuất để có hướng giải quyết. Từ các gia đình, nếp sống văn hoá được thực hiện nghiêm túc. Phường cũng luôn đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiêm chỉnh thực hiện những quy định, quy ước của cộng đồng dân cư. Thông qua mô hình tổ hoà giải, các hội đoàn thể, câu lạc bộ, các gia đình luôn gắn bó, tương trợ và chia sẻ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, nhờ đó, tình cảm xóm làng ngày càng bền chặt.

Ông Trần Đức Quyết, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin thị xã Từ Sơn cho biết: “Trên cơ sở thực hiện 5 nội dung chủ yếu của phong trào xây dựng làng văn hoá, thị xã Từ Sơn đã đạt được những kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hiện chỉ còn 1,86%; 100% gia đình có nhà ngói hoặc nhà bền vững; 100% người dân được tiếp cận phương tiện nghe nhìn; thị xã có 67 câu lạc bộ, đội văn nghệ; trên 90% số gia đình đã được sử dụng nước sạch, nước giếng khoan hợp vệ sinh; xây dựng và duy trì hoạt động của 56 nhà văn hoá xã, phường, thôn, làng, trong đó 28 nhà văn hoá thôn mới được xây dựng với kinh phí đầu tư từ 250 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng.

Cũng theo ông Quyết, từ khi khởi xướng phong trào xây dựng làng văn hoá ở Trang Liệt, đến nay, thị xã Từ Sơn đã có 35/68 thôn, làng, khu phố đạt danh hiệu văn hoá. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế nhanh đã mang đến nhiều lo ngại, tệ cờ bạc, lô đề, ma tuý đã có ở 12/12 xã, phường, ảnh hưởng xấu đến những giá trị văn hoá truyền thống, đạo đức con người, và cũng là nguyên nhân khiến nhiều làng không đạt danh hiệu văn hoá hàng năm. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, những nội dung tiêu chuẩn của làng văn hoá luôn được xem xét, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu tình hình cụ thể của địa phương và cũng để đánh giá thực chất kết quả danh hiệu gia đình văn hoá, làng văn hoá được đề nghị công nhận. Cứ vào dịp cuối năm hay dịp ngày hội đại đoàn kết toàn dân, các xã, phường lại tổ chức bình xét danh hiệu văn hoá.

Mặc dù vấn đề xây dựng làng văn hoá còn nhiều việc phải bàn, phải làm nhưng điều dễ nhận thấy là từ sau điển hình Làng văn hoá Trang Liệt, phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá đã lan rộng ra các địa phương và trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong cả nước.

Ý kiến bình luận