Thực dân Pháp thất bại trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, buộc phải chuyển sang đánh lâu dài với ta. Từ tháng 5-1949, chúng thực hiện chiến lược Rơve, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, phong toả biên giới Việt Trung, tăng cường nguỵ quân làm lực lượng chiếm đóng, đẩy mạnh chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Mặt khác, chúng tập trung quân Âu-Phi xây dựng lực lượng cơ động mạnh, mở các cuộc càn quét đánh chiếm trên quy mô lớn.
Ngày 13-7-1949, giặc Pháp mở chiến dịch Bat Ty, tấn công chiếm bắc phần Bắc Ninh, từ đó mở rộng xây post, quận Từ Sơn (chùa Nhân Thọ). Pháp lập tề, xây post ở các làng chung quan, như Cẩm Đạo, Cẩm Thụ, Phố Cẩm. Lính Pháp chiếm đóng trong làng Phù Lưu, Đình Bảng. Địch đóng post ở Ga Từ Sơn (lính Bảo hoàng), post Tiền Tiêu đề khống chế khu vực Đồng Quang, Cẩm Giang. Chúng còn dựa vào một số phần tử phản động lợi dụng Công giáo ở thôn Nguyễn Giáo (Cẩm Đạo), lập tề phản động, do Linh mục Yên cầm đầu. Địch âm mưu lập tề Đồng Kỵ, đầu 4-1948, chúng gài con me Tây (vợ Lục Khai) làm gián điệp nằm vùng để lập tề. Sau đó, Ba San, Hai Tháp, Trương Tôn liên lạc với Cha Yên (Cẩm Đạo) để lập tề phản động. Từ 21 giờ ngày 27-7 Kỷ Sửu (1-9-1949), chúng đưa lính Pháp, 100 tên, về quây làng Đồng Kỵ. Từ đó cả xã Đồng Quang đều bị xây post, lập tề.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chính quyền đã vận động nhân dân Đồng Quang nói chung, Trang Liệt nói riêng, tham gia kháng chiến và chống âm mưu lập tề của địch. Để sát tình hình thực tế về quân sự, và bối cảnh của thôn Trang Liệt, cách mạng đã gây được cơ sở tại đây, hoạt động trong 5 năm địch tạm chiếm (1949-1954).
Ngày 15-8 Kỷ Sửu (6-9-1949), ban tề ở Trang Liệt được thành lập. Tại nhà Chuyển Bồng đình làng, bộ máy nguỵ quyền đã được thành lập, Lý Kiệm làm lý trưởng, Thái Đàn phó lý và Sáu Còm chánh bảo an. Hội đồng hương chính gồm có tiên chỉ là cụ Quỹ, thứ chỉ là cụ Bảng, sau ra Hà Nội thì cụ Kiểm thay, thư ký là ông Oánh, thủ quỹ ông Nghênh, trưởng bạ ông Duỵ. Tổng Phù Lưu, chánh tổng ông Bầu, phó tổng ông Đản, sau khi 2 ông chánh, phó nghỉ thì ông Tá làm chánh tổng. Bộ máy nguỵ quân gồm có: Chánh Bảo an là Sáu Còm, trương tuần, hoặc quản xã chỉ huy các trung đội, tiểu đội bảo an dân quân.
Trung tâm post Ao Chạ có 30 bảo an chính, với đủ vũ khí đạn dược và giáo mác, dao kiếm. Còn 60 bảo an phụ, dân quân, tập trung ở các vọng gác 5 xóm đầu làng. Ngoài ra, chánh bảo an, truơng tuần, phó lý chịu trách nhiệm kiểm tra đôn đốc tuần tra canh gác, cầm canh, phân công đổi gác. Có 5 vọng gác: (1) Xóm Bông Né, nhà ông phó Bầu, có 4-5 bảo an và 2 dân quân; (2) xóm Nghè, nhà ông Tộ, có 4 bảo an và 2 dân quân; (3) xóm Đá, nhà cụ Thủ Phả, có 4 bảo an và 2 dân quân và (5) xóm Tây, vườn nhà ông Quang, có 4 bảo an và 2 dân quân. Mỗi bảo an có 1 súng trường và lựu đạn, còn dân quân thì có giáo mác.
Thành tre xung quanh làng đều có rào mìn, kín tới mức chim sẻ khó chui. Đường chính có 3 cổng tán bằng tre để bảo vệ post Ao Chạ, đến tối đóng. Ngoài ra, còn có 9 cổng toang, trong có cánh, ở ngõ lẻ vào xóm. Làng có 4 cổng làng, năm 1949-1950 mới lập tề chi đi có 2 cổng, cổng né và cổng Đá, còn cổng Bông lấp kín. Sang năm 1951, khi ta gây cơ sở thì mới mở cổng Tây. Ban đầu lập tề Trang Liệt, để làm tin với địch, ngày 15-8 Kỷ Sửu, chíng bắt 8 du kích nộp cho địch. Sau đó quận trưởng Từ Sơn Vũ Huy Huỳnh phát cho 32 khẩu súng trường, 12 hòm lựu đạn và đầu tư xây dựng Post Ao Chạ, xong trong 40 ngày.
Trước tình hình đó, ngày 19-8 Kỷ Sửu (10-9-1949)1, bộ đội Từ Sơn phối hợp với du kích Trang Liệt và Đình Bảng tỏ chức trận phá tề Trang Liệt. Trận này ta diệt 3 bảo an, trong đó có 1 phó bảo an và 2 bảo an gác ở xóm Đá.
1 Các trận đánh ngày, tháng, năm ghi theo âm lịch.
Trận phá post Ao Chạ ngày 19-10 Kỷ Sửu.
Sau hai tháng ban tề Trang Liệt xây xong Post Ao Chạ, ta đã phá Post bằng cách đặt 2 quả mìn làm vỡ post. Sau đó địch tiếp tục củng cố, xây post Ao Chạ lần thứ hai, kiên cố hơn. Chúng củng cố rào thành chung quanh làng và tổ chức đội ngũ bảo an tuần tra canh phòng. Du kích xã do đồng chí Ngô Sỹ Thuỷ, Ngô Hữu Hồng chỉ huy, phối hợp với bộ đội Từ Sơn.
Trước hết ta vận dụng đấu tranh chính trị, liên lạc, gây cơ sở. Việc thành lập ban tề cứu quốc ở Bính Hạ đã có tác động đến Trang Liệt và sau khi phá vỡ post Ao Chạ, Trang Liệt có ảnh hưởng tốt với nhân dân ủng hộ kháng chiến. Tình hình khi đó, cụ Quỹ tiên chỉ, cụ Kiểm làm thứ chỉ, thay cụ bảng ra Hà Nội, hai cụ xung đột với phe lý trưỏng; kết thúc vụ việc, hai cụ cũng nghỉ. Ban tề đưa cụ Chánh Châu làm tiên chỉ, ông Nguyễn Văn Phan làm thứ chỉ. Sáu Còm không muốn lập tề cứu quốc. Trên quận, quận trưởng Vũ Huy Huỳnh có vụ kiện cáo, sau phải đổi đi nơi khác và quận sùng về thay.
Nắm tình hình Trang Liệt, thấy nội bộ phe phái lý trưởng – Sáu Còm và một số trong ban tề không hợp ý nhau, ta liên lạc với ông Ngô Hữu Duỵ, giác ngộ cách mạng, ra Nghĩa Lập bàn việc gây cơ sở. Ba ngày sau, các đồng chí Nguyễn Tiến Nhạ, chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Từ Sơn, Vũ Thái Khoan chủ tịch xã và Ngô Hữu Hồng vào ở nhà cụ Quỹ, ở trên gác 3 ngày để bàn lập tề cứu quốc và tạo thời cơ. Du kích xã cũng từng bước gây cơ sở, ban đầu, ở khu ngõ Đá, là nhà cụ Pháp, cụ Cựu Út, ông Thủ Nhẫn, sau dần phát triển sang các cụ Thủ Phả, cụ Chánh Viện, cụ Tổng Ngân, cụ Cựu Khanh. Xóm Đá có 2 di tích kháng chiến, là miếu cây bàng (cụ Đàng) có hòm thư bí mật để dưới nồi hương, do ông Nguyễn Văn Ban, Chánh bảo an phụ trách và khu miếu cụ Ba Síu là nơi đào hầm bí mật.
Nhằm làm cho quân địch hoang mang, ta tổ chức phá Post diệt tề Trang Liệt vào đêm 21-1 Canh Dần, 9-2-1950. Quân ta bất ngờ đột nhập vào nhà cụ Pháp (ngõ Đá), lúc đó, số người tập trung ngủ ở đây có cụ Pháp, ông Đảng và Lý Phan. Lý Phan chúi gầm giường cố tình không chịu ra, bị ta bắn trọng thương. Sau đó ta đặt mọt quả mìn làm đổ post Ao Chạ. Trận này có 3 đồng chí: Hạp, Thuý, Năm hách và Tràng (bộ đội Từ Sơn).
Sau các trận bị thất bại, ban tề Trang Liệt tìm mọi cách trả thù. Chúng tăng cường đàn áp các gia đình tham gia kháng chiến; truy bắt cán bộ, du kích; theo dõi các gia đình cơ sở, làm cho du kích hoạt động gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, địch còn tăng cường đánh chiếm vùng nội địa Từ Sơn, lính Pháp đóng Post Thiết Bình – Me Mấc… buộc cơ sở kháng chiến phải rời Trang Liệt, chuyển lên Tò Vò – Đức Thắng, Hiệp Hoà, Bắc Giang… Nhưng một bộ phận cán bộ, du kích vẫn thay nhau về Phủ Khê, Nghĩa Lập để nắm bắt tình hình địch.
Quân ta tiếp tục cử người về nắm bắt tình hình địch và gây sở ở Trang Liệt. Ngày 16-4 Canh Dần (1950), ban chi uỷ đồng ý để 5 đảng viên về làm liên lạc đưa tin tức, thư từ ra cho kháng chiến. Đó là 2 đồng chí Phan Đình Châu, Nguyễn Văn Ngôn, đã già yếu, cùng 3 đồng chí Nguyễn Văn Chi (Thức) Nguyễn Đức Nhuận, Vũ Công Năm. Ông Năm còn đem 1 trâu về cày. Từ Đức Thắng về đến Chiêng sổ, 5 người gặp ông Ngô Hữu Chí, Vũ Tự Mậu, là du kích và ông Ba Duyên, ông Đặng về tề. Hôm đó, cả 9 người cùng về, đi qua post chờ, bọn lính nguỵ chặn hỏi, các ông nói là chúng tôi về tề. Chúng giữ các ông một đêm ở post Chờ, sáng hôm sau thì tha cho về. Về đến công Né, 9 người bị Sáu Còm giam giữ 2 đêm 1 ngày ở nhà cụ Ngọ.
Âm mưu của ban tề là trả thù và bắt cán bộ du kích. Đêm 17-4 Canh Dần (1950), chúng nghi binh đốt nhà chứa phân của Lý Phan (thứ chỉ), lấy cớ để bắt du kích. Sáng 19-4, ban tề gọi 8 người đến nhà lý trưởng. Quận Sùng và 5 quận dõng giải người lên quận Từ Sơn 1 ngày, lên Bắc Ninh 4 ngày thì cho về. Cụ Chánh Châu, sau được đưa ra làm tiên chỉ, còn ông Nhuận làm chánh bảo an. Cụ Tổng Ngân, chúng nghi có liên quan tới kháng chiến, bị giải lên Bắc Ninh 4 ngày, sau cụ Quỹ lên xin cho về và bị quản thúc, ban tề o ép liên tục nên phải sơ tán ở nhà ông Hiến trên Đáp Cầu, Ngày thứ 5 địch bắt được anh Nguyễn Như Vinh, liên lạc về chợ Đuống (chợ Đuống có nhiều bà, chị em buôn bán để lấy tin tức làng tề). Cả 5 du kích bị giam giữ ở Từ Sơn, bị tra hỏi đánh đập rất dã man hàng tuần mà không ai khai báo gì. Sau địch chuyển 5 người đi nhà tù Gia Lâm, sau sang nhà Tiền, Hà Nội, rồi bắt mỗi người một nơi. Sau này, ngày 10-5-2003, các Ngô Hữu Chỉ, có quyết định số 155, và Vũ Công Năm có quyết định số 156 của Bộ Lao động Thương binh xã hội trợ cấp chế độ tù đầy.
Tháng 6 năm 1950, chỉ uỷ cử cán bộ và du kích về làng xây dựng gây cơ sở kháng chiến và trao đổi với tổ đảng Bính Hạ, lấy thôn Bính Hạ làm bàn đạp để phát triển lên Trang Liệt và Đồng Kỵ. Đầu tiên 2 đồng chí: Khoan và Xuất đào hầm bí mật ở bếp nhà đồng chí Thoả để có nơi ăn, chốn ở… dần dần phát triển cơ sở khác. Đồng thời chỉ uỷ giao nhiệm vụ cho ông Nghĩa là tiên chỉ, ông Hách là lý trưởng Bính Hạ, liên lạc với tổng Tá để gặp kháng chiến, thuyết phục ban tề theo kháng chiến. Ở Trang Liệt, ta đã gay dựng được cơ sở và thời kỳ này tổng Tá điều khiển ban tề, còn tín nhiệm với Quận Từ Sơn.
Cũng trong tháng 6 năm 1950, lần thứ 2, các đồng chí Khoan chủ tịch xã, Lương Minh chính trị viên huyện đội, cùng đồng chí Tuyến, du kích xã, trực tiếp vào làng gặp tổng Tá và cụ Hựu để bàn kế hoạch lập tề cứu quốc. Ta đã gây dựng được nhiều cơ sở, như gia đình bà Tụ, ông Phán Bảng, ông Cảnh, Thâm Thầm, cụ Sinh, bà Phụ, cụ bà Tổng Ngân, ông Chánh Kiểm… Cán bộ thường xuyên ăn ở qua lại ở các cơ sở này. Có một số làm nhân mối cho ta, như ông phó lý Khanh, chánh bảo an Nguyễn Văn Ban, trưởng bạ Ngô Hữu Duỵ trong lực lượng tề được thành công lớn. Từ cuối tháng 6-1950, nhiều cán bộ, du kích, như các đồng chí Khoan, Xuất, Ấm, Thuý, Sâm… thường xuyên về làng hoạt động bám dân, bám đất… gây cơ sở mở rộng sang xóm Né, xóm Bông. Đặc biệt, nhà ông Hán là nơi đặt cơ sở bán công khai, có hầm bí mật nhỏ cất dấu tài liệu, do đồng chí Xuất phụ trách trong 5 năm tạm chiếm bảo đảm an toàn.
Ban đầu cán bộ, du kích vào nhà dân thăm hỏi, dân rất sợ ban tề biết, vì thế, hai đồng chí Khoan, Hồng đã ở nhà trên tổng Tá một ngày. Hôm đó có 2 lính Pháp vào nhà Tổng Tá, ban tề tiếp chúng ở nhà khách. Tình thế này, các đồng chí ta nhận định: 1 – Địch thử lòng trung thành của họ đến mức nào; 2- Cũng thử tinh thần 2 đồng chí khi gặp địch ở tại nhà chánh tổng; 3 – Chánh tổng gây uy tín với ta, là dám chứa Việt Minh, tạo lòng tin trung thành theo kháng chiến. Qua 2 lần ta trực tiếp gặp Tổng Tá, từ đó đã có cơ sở để lấn sâu hơn vào lực lượng bảo an để gây nhân mối, làm nội ứng cho ta phá post diệt tề.
Công tác dân vận gây cơ sở ở Trang Liệt vào thời điểm này đã ngày càng phát triển, do cách mạng đã có nhiều điều kiện thuận lợi. Chỉ uỷ giao nhiệm vụ cho cụ Nghĩa, ông Hách liên lạc với ông phó Khánh, đến ngày 19-9 Canh Dần (1950), xuống Bính Hạ gặp các đồng chí Ấm, Xuất, Khoan để bàn công tác. Đó là việc phải gây nhân tố mới trong lực lượng bảo an làng để nắm chắc lực lượng, sự bố trí, phòng thủ của địch, chuẩn bị trong thời gian ngắn nế có điều kiện chín muồi sẽ phá Post diệt Tề và các nhân mối làm nội ứng. Ta cũng mở rộng cơ sở quần chúng đến các xóm khác, nắm quyền chủ động tiến tới lập tề cứu quốc.
Đêm 22-12, Canh Dần (29.1.1951), trận phá Post diệt tề Trang Liệt diễn ra. Sau 3 tháng nắm chắc tình hình tề, cơ sở nhân mối đã chuẩn bị tương đối đầy đủ cho trận phá Post diệt tề. Cách mạng có hai nội ứng, là phó lý Ngô Hữu Khánh cho kháng chiến và chuẩn bị, bố trí thời gian chu đáo cho ta. Đêm 19-12 Canh Dần (26-01-1951), quân ta tập trung tại khu rừng Đá, đồng chí Khoan và đồng chí Xuất dẫn đầu vào khu Miếu Cây Bàng (vườn cụ Đảng) để bắt liên lạc với ông Ban. Chờ 40 phút vẫn không có tin tức gì nên phải tạm hoãn đến 11 giờ đêm và phải rút quân, bơi qua sông Ngũ Huyện Khê. Lý do rút quân là, do chiều 19-12, quận Sùng Từ Sơn và lính quận vào Trang Liệt, ban tề mời cơm quận Sùng say rượu. Vì muộn quá, ông Ban không kịp bố trí người canh gác ở các vọng gác xóm, nên không đến miếu cây Bàng báo cho ta biết.
Chỉ uỷ quyết định tấn công tiếp. Đúng 10 giờ 30 đêm 22 tháng Chạp (Tết ông Công, ông Tác), ta tập trung quân tiến vào Trang Liệt, đã có hợp đồng mở đường cho quân vào. Ông Khánh và ông Ban đi tua đầu đã cất thành vườn nhà ông Tục, ông Kế. Đột phá khẩu là đồng chí Ấp, xã đội trưởng, đồng chí Thuý, xã đội phó, cùng tiểu đội du kích của đồng chí Tuyến tiến thẳng vào vọng gác 1 nhà ông Ngô Tộ…Ông Bốn Thiện bảo an gác ở cổng Cái (cụ Bá Lục). Sau quân ta chia thành 2, 3 mũi, mũi 2 tiến về vọng gác 2 xóm Bông ở nhà ông Phó Bầu. Mũi chủ yếu 3 tiến đến chiếm trung tâm Post Ao Chạ, vì ở đây tập trung bọn chỉ huy và lực lượng bảo an.
Kết quả trận này, 2 bảo an bị diệt, 1 (Hộ) chống đối, 1 sợ quá ngã từ trên Post xuống. Ta thu 18 súng trưởng. Một số bảo an được đưa ra vùng tự do Đức Thắng, Hiệp Hoà làm ăn buôn bán; gồm 2 nội ứng là ông Ngô Hữu Khánh, Nguyễn Văn ban; 3 nhân mối là ông Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Quang Bản (Bản Da) Vũ Công Hà. Ta bắt 1 trương tuần cùng một số bảo an khác tập trung ở cầu Trịnh Tháp, sau tha cho về. Còn Vũ Công Lạnh thì đưa lên Đức Thắng, Hiệp Hoà ở nhà cụ Năm Đường làm con tin để thuyết phục bố làm lý trưởng, vì lý trưởng đêm hôm đó không ngủ ở Post. Ta thường xuyên liên lạc, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục lý trưởng về tình cảm và thông qua cả tổng Tá, mục đích là bảo vệ, vì dân mà tránh đổ máu, nhưng một mực lý trưởng không theo kháng chiến. Sau 2 tháng ta cho con về.
Trận này có sự phối hợp của 1 trung đội bộ đội Từ Sơn với du kích xã Phù Khê, Hương Mạc, do đồng chí Lương Minh chỉ huy, đồng chí Ấp, Thuý và một số cán bộ dẫn đường. Trận này thắng lợi ròn rã, nhanh gọn, thu được 18 súng trường, một số lựu đạn và đạn dược. Riêng đồng chí Tuyến, du kích, bị thương nhẹ, quan ta vô sự rút quân lúc 1 giờ sáng 23-12, sang vùng Me Mấc và vì muộn quá nên không sang vùng tự do (chợ Đài). Hôm sau dịch quây càn suốt 1 ngày ở vùng nội địa Me – Mấc – Phù Khê, nhưng quân ta vẫn được an toàn và tối 23-12 sang vùng tự do (Đức Thắng).
Địch khủng bố. Sáng ngày 23 tháng Chạp, quận Sùng đem 1 trung đội quận dõng (lính quận) Từ Sơn về Trang Liệt bắt toàn dân nam – phụ – lão -ấu tập trung tại đình làng và nhà cụ Ngọ (nhà ông Hà bây giờ). Chúng chia người ra từng giới, tập trung suốt 2 ngày 1 đêm để chọn lọc đối tượng. Lính quận lùng sục khắp làng, khủng bố, đàn áp các gia đình có chồng, con, em là cán bộ, du kích và gia đình có người tham gia kháng chiến, những cơ sở liên lạc ủng hộ kháng chiến. Anh em bảo an ai mất súng phải đền 500đ (Đông dương) 1 khẩu. Chúng bắt thanh niên đi lính, ai không đi thì bắt tù, như bắt ông Thuyết, ông Đỗ Văn Thạch, ông Chăn lên quận Từ Sơn, sau quận Sùng tha cho ông Chăn về, vì ông Chăn quen quận Sùng quê ở Bố Hạ. Chúng dỡ nhà ngói 4 gian của ông Ngô Quý thu đem lên quận Từ Sơn; bắt ông Thầm đi tù 5 tháng ở Búp Lê Đáp Cầu (trại lính Lê Dương).Cụ Kiểm bị chúng đánh đạp hết sức dã man, dìm vào bẻ nước nhà ông Tộ, sau dắt đi khắp làng để uy hiếp tinh thần nhân dân. Sau chúng giải Cụ Kiểm, ông Thuyết giam giữ ở Phù Lưu (phòng Nhì Pháp). Sự khủng bố của địch rất tàn ác dã man nên nhân dân hoang mang lo sợ, nhất là các gia đình có liên quan, cảm tình và là cơ sở của kháng chiến.
Sau trận này địch củng cố bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền, loại những người có tu tưởng ủng hộ kháng chiến, đưa ông Nguyễn Tiến Quang làm phó Lý (thay ông Khánh), ông Vũ Kim Miện làm chánh án bảo an 7 ngày (thay ông Ban). Còn bảo an chính ở Post và ban tề cũng bị sàng lọc, chúng đưa tay sai đặc lực, căm thù kháng chiến về chốt giữ post Ao Chạ.
Trận chiến thắng lịch sử này của chi bộ và nhân dân Trang Liệt đã làm chuyển biến ban tề, từ tề một mặt, có vai trò là tay sai phục vụ cho đế quốc thực dân, chuyển sang tề hai mặt, phục vụ cho cách mạng. Như vậy, ban tề khi đó, một số vẫn cam phận làm tay sai thì một số đã đi theo kháng chiến. Ngày 23 tháng Chạp năm đó đã trở thành “Ngày truyền thống hàng năm của Đội du kích chống Pháp Trang Liệt”.
Sau trận này, ban tề Trang Liệt đã chuyển biến mạnh. Chánh tổng Tá đã liên lạc với kháng chiến từ tháng 5-1950, riêng chỉ còn lý Kiệm là chưa chuyển biến về tư tưởng, mặc dù ta đã đưa con trai ra Đức Thắng để cảm hoá theo kháng chiến nhưng cũng không ngả nghiêng. Ta kiên trì thuyết phục, đầu tháng 2-1951, đồng chí Xuất và Khoan ở nhà ông Tài Lớn, xóm Trạch Bính Hạ, được sự nhất trí của huyện uỷ và chỉ uỷ xã, cử cụ Nghĩa và ông Hách là lý trưởng lên gặp tổng Tá trao đổi. Lần thứ 2, kháng chiến lại gặp 2 ông tổng Tá và lý Kiệm tại nhà ông Nghênh để thuyết phục họ về với kháng chiến. Đây là cuộc đấu tranh chính trị, địch vận khá mạo hiểm. Ngày 4-2 Tân Mão (1951), đồng chí Xuất ở lại Bính Hạ, cử đồng chí Khoan chủ tịch, cùng đi có đồng chí Vũ Kim Cúc (Cúc Đạt) du kích xã bảo vệ. Hồi 2 giờ chiều, từ Bính Hạ, các đồng chí vạch thành vào trại ông Nghênh để gặp tổng Tá và lý Kiệm, nhưng chỉ có tổng Tá đến, còn Lý Kiệm vắng mặt, chỉ một mực theo tề một mặt. Sau 30 phút gặp gỡ với tổng Tá, ta rút lui ra đến cánh đồng vỡ thì trông thấy một toán lính quận vào Trang Liệt, cuộc này không đạt kết quả gì.
Tiếp theo là trận phá post diệt tề đêm 18-4 Tân mão (1951). Sau trận phá post diệt tề 23 tháng Chạp (Canh Dần), ta tổ chức đấu tranh quân sự kết hợp đấu tranh chính trị và địch vận suốt 4 tháng trời nhằm cảm hoá, thuyết phục tề để theo kháng chiến, như vậy sẽ tránh được đổ máu. Nhưng họ không lay chuyển mà vẫn quyết tâm tề một mặt.
Vì vậy, Tỉnh uỷ có chủ trương tổng phá tề lần thứ 2, phải tiêu diệt post bong ke, nếu không, nó như một cái gai nhọn luôn gây nhức nhối, làm cản trở hoạt động cách mạng. Mặt khác, không phá post diệt tề thì quần chúng nhân dân lo sợ, không dám liên lạc và gặp kháng chiến; ngay cả ban tề bảo an, người có cảm tình với ta cũng sợ họ trả thù hoặc bắt đi tù, đi lính.
Quân địch thì luôn đề phòng bộ đội Từ Sơn và du kích về hoạt động. Quận Sùng bắt lý trưởng, phó lý ban đêm phải tập trung tại post Ao Chạ. Nắm được tình hình ấy, ta và quyết định tấn công diệt post Ao Chạ vào đêm 18-4 Tân Mão (1951). Tham gia trận đánh này có đại đội 555 của tiểu đoàn Thiên Đức, do đồng chí Đinh Văn Kế chỉ huy; 1 tiểu đội bộ đội Từ Sơn và du kích xã, do đồng chí Thuỷ, Xuất, Sâm dẫn đường. Khoảng 23 giờ, quân ta đột kích vào làng và đặt khẩu súng Ba Do Ka ở giữ nhà chuyển Bồng bắn một phát thẳng lên post làm lý trưởng bị thương nặng. Quân ta bắn mấy loạt súng uy hiếp tinh thần bảo an, trên post im ả không có sự chống cự, bọn chúng hoảng sợ tụt hết xuống hầm.
Ngày 19-4 (1951), địch củng cố bộ máy hành chính và lực lượng bảo an, đưa ông phó lý Nguyễn Tiến Quang lên làm lý trưởng, ông Căn làm phó lý. Sau trận 18.4 đánh post Ao Chạ, bảo an không ngủ thường xuyên ở post mà nghi binh, treo một ngọn đèn chai trên post, còn thì phân bố về các vọng gác xóm, ngủ ở các gia đình. Nội bộ ban tề bị phân hoá, những người lừng chừng trước đây nay quay sang ủng hộ kháng chiến, như ông lý Quang đã nói: các ông (cách mạng) cứ về, chỉ còn Sáu Còm thôi và không trắng trợn như trước nữa. Vì thế nhân mối trong hàng ngũ bảo an đã thường xuyên cung cấp tin tức cho kháng chiến. Ngày 19-5-1951, ông Duỵ ra Nghĩa Lập báo cáo tình hình tề, ban tề rất dao động, hoang mạng chỉ còn 2 người, họ cũng ngả về cách mạng. Trang Liệt và Bính Hạ đã trở thành cơ sở cách mạng vững chắc, thường xuyên có cán bộ, du kích nằm vùng hoạt động. Các xóm đều có cơ sở bí mật, ăn ở của cán bộ chủ động. Ngôi chùa trên cũng có hầm bí mật ngay dưới bệ tượng Phật và các đồng chí Âm, Xuất, Tráng, Sâm thường qua lại, ăn ở và cũng là nơi bộ đội Từ Sơn tập trung để đánh trận “độn thổ Mả Ngò” tiêu diệt Ba San ngày 16-3 Quý Tỵ (1953).
Tháng 10 Tân Mão (1951), địch phục kích ở Ba Cây Trịnh Nguyễn. Hai đồng chí Nguyễn Tiến Sáu (Thìn), Vũ Kim Cúc (Đạt) du kích về liên lạc nắm tình hình của địch và của ban tề Trang Liệt1. Hai đồng chí đi từ nhà ông phó Sách (Bính Hạ) theo đường chùa Sư Mãn lên gần đê Ba Cây Trịnh Nguyễn (Châu Khê). Trời vừa sẩm tối đồng chí Cúc đi xích hầu, bị lính Pháp phục kích
1 Hai đồng chí về Bính 3 ngày…Gián điệp báo có 2 du kích.
tên đê bắt được; còn đồng chí Sáu đi sau tụt lại về Bính Hạ. Lính Pháp giải đồng chí Cúc về quận Từ Sơn giam giữ và tra hỏi. Đồng chí cung khai ly gián làm cho địch lại diệt địch, rằng: Tôi là người nhà ông Vũ Kim Miên (chánh Bảo An) ông trương tuần Sáu Còm đã liên lạc với Việt Minh; tôi mới đi lính sang tây (Pháp) về và vào du kích xã…
Biết tin đồng chí Cúc bị bắt, tổng Tá, vì thấy trước đây đồng chí Cúc đã cùng đồng chí Khoan vào trại nhà ông Nghênh để gặp mình và lý Kiệm, nên để bịt đầu mối. tổng Tá đã chỉ điểm cho Pháp thủ tiêu đồng chí Cúc. Vì thế, sau ba ngày giam giữ tra khảo, địch giải đồng chí Cúc lên post núi Tiêu (xã Tương Giang) bắn chết, xác mất tích. Thời gian này những người cảm tình với kháng chiến ở ban tề và cơ sở quần chúng của cách mạng rất lo sợ, vì nếu đồng chí Cúc không chịu được tra tấn sẽ khai ra các cơ sở bí mật. Nhưng điều đó không xảy ra, đồng chí Cúc đã hy sinh để cách mạng sống.
Công tác chính trị gây cơ sở từ tháng 11 Tân Mão (1951) được tăng cường. Tề Trang Liệt, khi ta đã đánh 2 trận lớn và đã tiêu diệt về cơ bản ý đồ phản động của số bảo an, thì chỉ còn có 3 người là thân cận, tận tuỵ với địch. Họ quan hệ với kháng chiến cầm chừng lấy lệ, hoặc không muốn gặp mặt. Tình hình đó đã cản trở hoạt động của ta, trong đó, chánh tổng chính là người quyết định mọi việc của làng tề, đã “ném đá dấu tay”, để quân dõng Từ Sơn nay về kiểm tra căn cước, mai về kiểm tra sự canh phòng của bảo an, quấy nhiễu nhân dân, mà chủ yếu là lùng sục bắt bớ cán bộ và du kích. Tình hình đó được chỉ uỷ phân tích và có chủ trương, sách lược là: đấu tranh quân sự kết hợp đấu tranh chính trị, địch vận liên tục; liên lạc với cơ sở, nhân mối và mở rộng gây cơ sở; vận động nhân dân ủng hộ Việt Minh, chống địch bắt phu, bắt lính; ổn định các tư tưởng nhân mối của ta…