Hội phụ lão cứu quốc


Hội được thành lập năm 1942, gồm các cụ: Phan xuân Bảng (cụ Phán Bảng); Phan Đình Châu, đảng viên 2-1949, Tiên chi Tề 1950; Nguyễn Thế Thân (cụ Thủ Thân); Nguyễn Văn Ngân (cụ Tổng Ngân), đảng viên 2-1949, tề Trang Liệt quản thúc từ tháng 4-1950 đến 12-1952; Nguyễn Như Kiểm (cụ Chánh Kiểm), bị Tề đánh đập trân 23 tháng Chạp Canh Dần; Nguyễn Quang Bầu (cụ Phó Bầu), Chánh tổng tề năm 1949.

Các đồng chí Nhân, Chấn đã vận dụng công tác tuyên truyền và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các vị thân hào, trí sỹ tiến bộ có tinh thần yêu nước, ủng hộ cách mạng, tham gia hội truyền bá chữ quốc ngữ. Năm 1942, đồng chí Nhân hai lần tổ chức họp với các vị này tại nhà cụ Phán Bảng, nói chuyện cởi mở với các cụ, gây lòng căm thù đế quốc rồi vận động các cụ dùng uy tín thuyết phục, kêu gọi các hào lý trong làng không chống phá cách mạng. Nhiều cụ đã quyên góp đồng thau, quần áo, tiền ủng hộ cách mạng. Gia đình cụ Kiểm là nơi cất giấu tài liệu, truyền đơn và bảo vệ các đồng chí cán bộ qua lại ở đây.

Cuối năm 1942, đầu năm 1943, giặc Nhật kéo quân về đóng tại Trang Liệt và xây dựng căn cứ quân sự ở rừng Sặt. Chúng đưa xe tăng húc đổ hàng trăm cây cối để xây dựng 10 kho (đắp nồi) chứa vũ khí, đạn dược và xây dựng doanh trại. Lúc ban đầu chúng chiếm các nơi công cộng, như đỉnh cao và nhà dân rộng rãi, khang trang. Hàng ngày chúng sục sạo vào các nhà dân bắt gà, lợn, vào vườn trại lấy hoa quả. Chúng cấm dân không được vào rừng Sặt kiếm củi.

Một tai họa lớn cho nhân dân Trang Liệt là, bọn Nhật bắt dân phá trên 100 mẫu hoa mầu để trồng đay. Có sự chỉ đạo của xứ ủy Bắc Kỳ, các đồng chí Nhân, Chấn vận động nhân dân, nhất là các cụ thân hào, thân sỹ đứng lên đấu tranh. Ta đã cử các cụ Tổng Ngân, Thủ Thân, Phó Bầu đại diện cho dân lên gặp Tri Phủ Từ Sơn (Phạm Gia Đĩnh) và bọn chỉ huy Nhật để đưa yêu sách của dân được vào rừng kiếm củi, hót lá, đỡ khó khăn cho các hộ nghèo. Trước sự đoàn kết và kiên trì đấu tranh của nhân dân, giặc Nhật đã phải nhượng bộ cho dân được vào kiếm củi, hót lá và sự lùng sụcm cướp bóc của bọn chúng cũng giảm bớt. Lợi dụng cơ hội này, chi bộ Trang Liệt – Cẩm Giang đã cử người vào rừng vẽ sơ đồ kho vũ khí của Nhật rồi chuyển lên cấp trên. Phong trào cách mạng ở Trang Liệt ngày càng lớn mạnh. Mặc dù bị quản thúc nhưng đồng chí Nhân luôn tranh thủ thuyết phục các lý dịch, nhất là cụ Nguyễn Văn Ngân, phó tổng Phù Lưu, đã che chở và ủng hộ, nên đồng chí Nhân có điều kiện và thuận lợi tham gia hoạt động cách mạng, gây cơ sở.

Ý kiến bình luận