Trang Liệt thuộc vùng đất đồng bằng Từ Sơn, cánh đồng tương đối bằng phẳng, nhưng xưa kia có hơn 90% diện tích chỉ cấy một vụ lúa mùa, còn 10% diện tích cấy vụ chiêm ở xứ đồng nơi có chuôm, hồ ao.
Trước đây làm ruộng không có hệ thống thủy lợi như bây giờ, người nông dân chỉ trông chờ vào nước trời để hàng năm sản xuất nông nghiệp.
Ruộng đất được chia làm 3 loại.
Loại 1: Cấy lúa mùa, ở các xứ đồng Ba cây, Cầu Mới, Mả Gì, Gốc Sữa, Cầu Muộn, Lấp Tát, Đất Thó, Đồng Muộn, Chuôm Chùa, Mả Ngò, Da Con, Vườn Trợ, Hàng Vàng trên – dưới… sau trại, Đầu Vót, Mả nhội, Chuôm Khoang, chiếm 60% diện tích toàn xã.
Loại 2: Cấy lúa mùa và trồng mầu, là các xứ đồng Đám đỗ, Đồng Mang, Đền Nghè, Đống Quýt, Chân cuội trồng ngô, khoai lang đỗ các loại… chiếm 30% diện tích. Năng suất hoa mầu thấp, như khoai lang, khoai sọ ước độ 160 kg đến 200 kg/ sào là tốt lắm rồi.
Loại 3: Vùng trũng, đất khó làm, ở xứ đồng Chuôm Cáo, 2 mẫu 2 sào ( ruộng Bà Chúa), đồng Muông ( Trang Liệt xâm canh thuộc xứ đồng Bính Hạ) vụ mùa thường xảy ra úng lụt, “chiêm khê mùa thối”, có khi phải cấy lại đến 2 – 3 lần trong một vụ chiêm (chiêm hao),chủ yếu dựa vào mùa nước chuôm, hồ ao.
Nhìn chung năng suất lúa mùa rất thấp, vì giống cũ như: Tám dâu, chiêm dé, phải nhờ nước trời, phân chuồng lại ít, không có phân hoá học, nếu có thì giá rất đắt và phải phân phối theo tiêu chuẩn, nên năng suất lúa chỉ độ 60 kg/sào, các hộ nhà giàu, khá giả làm nông nghiệp cũng chỉ đạt 70 – 80 bkg/sào.
Nhân dân Trang Liệt chủ yếu là nông dân, chiếm trên 98% dân số. Bị ách thống trị của thực dân đế quốc Pháp, chúng lại cấu kết với phong kiến địa chủ, bọn quan lại tay sai, trong bối cảnh đó nhân dân Trang Liệt cả về tinh thần và vật chất đều bị thiếu thốn, đói khổ, làng xóm tiêu điều, không khí ngột ngạt, xóm làng ảm đạm. Tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, nhất là tháng giáp Tết âm lịch, về đêm, thường hay xảy ra trộm cướp, cờ bạc, nghiện hút….
Mặt khác, nhân dân phải đóng thuế đinh, điền, sưu cao, thuế nặng, nên tình trạng cầm cố tài sản, nhà, đất đi vay nặng lãi 3, 4 phân, hoặc đoạn mại nhà cửa ruộng vườn cho nhà giàu cũng trở nên phổ biến. Vì thế, không ít người dân rơi vào hoàn cảnh không có nhà ở, gia đình ly tán, phải tha hương cầu thực chuyển đi nơi khác làm ăn, sinh cơ lập nghiệp. Dưới chế độ thực dân phong kiến, đời sống của người nông dân nghèo Trang Liệt đã khó khăn lại không may có năm thiên tai lụt bão, hạn hán mất mùa… thì khó khăn lại chồng khó khăn đã đẩy hơn 30% hộ nông dân lâm vào cảnh không có ruộng đất, ăn bữa sáng lo bữa tối, có hộ đứt bữa, rau cháo qua ngày… Thời đó, xã hội phân hoá giai cấp sâu sắc, kẻ giàu người nghèo rất rõ rệt, đúng là: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.
Đời sống nhân dân dưới chế độ phong kiến, đế quốc có đến 40% số hộ túng thiếu. Những cố nông và dân nghèo không có ruộng đất, hàng ngày kiếm ăn sinh sống, ăn bữa sáng lo bữa tối bằng các việc buôn thúng bán mẹt, đi đong đồng nát, hàn nồi, thu mua phế liệu, lông vịt, tóc rối đổi kẹo, gang sắt vụn….
Người nông dân ruộng đất vừa ít, vừa thiếu lại chủ yếu cấy một vụ mùa, nhưng bấp bênh, cứ vài ba năm lại có lụt bão lớn, hạn hán nặng. Vì thế, người dân nghèo phải cấy thuê ruộng công, ruộng bán công, bán tư, như ruộng của các phường, họ, môn sinh hoặc ruộng của địa chủ phát canh thu tô… Tô phải nộp rất nặng, tới trên 50% số thu hoạch một sào. Vào tháng giáp hạt, người dân nghèo phải vay thóc, hoặc vay tiền, cũng rất nặng lãi, tới 2,5% – 3,0% 1 tháng.
Thời kì 1946 – 1954, nhân dân Trang Liệt vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống địch càn quét, vận động người già trẻ em đi tản cư sang bên sông Ngũ huyện Khê, như Nghĩa Lập, Kim Bảng… Lực lượng dân quân du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu, canh phòng cẩn mật, khi địch càn quét thì dân đi sơ tán, sáng đi tối về, cày sau, cấy muộn nên năng suất thấp. Tháng 7 – 1949, Trang Liệt bị địch tạm chiếm, xây bốt, lập tề nên sản xuất nông nghiệp ngừng trệ, nhân dân sơ tán trở về tề. Người dân chủ yếu buôn thúng bán mẹt ở chợ Cẩm, chợ Đuống (Yên Viên), một vài năm sau, một số chị em buôn đồ xa xỉ phẩm, ra vùng tự do bán để kiếm ăn hàng ngày.
Ngoài ra, người nông dân bần, cố nông phải đi làm thuê, làm mướn, như đi ở cày thuê hàng năm, hàng vụ cấy, gặt lúa, làm cỏ phân, đi ở năm chăn trâu, cắt cỏ, làm những việc vặt trong gia đình với giá công rẻ mạt… Họ đi ở mùa năm này sang năm khác, chủ cho cơm ăn, áo mặc và trả công với số tiền nhỏ nhoi khi ngày giỗ Tết. Tình hình thiếu đói, “gạo chợ nước sông” của những hộ dân nghèo là thường xuyên, nhưng có điều là, ngày nạn đói năm 1945 cũng không có ai bị chết đói. Được vậy là nhờ ở Trang Liệt, Mặt trận Việt Minh đã ra đời, đi vận động mua thóc gạo của nhà giàu bán cho nhà nghèo và tổ chức chạy lụt lên Đình Cao.
Người dân Trang Liệt nghề chính là làm ruộng và xưa kia trong làng cũng có không ít gia đình giàu có bằng nghề nông, ruộng cấy trồng từ 2 – 3 vụ, vụ này sang vụ khác. Hơn nữa, các nhà giàu xứ quê, “lão nông chi điền”, luôn có tâm cơ tiết kiệm, làm ăn vất vả nhưng vẫn “tương cà gia bản”, “túch cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Vì thế, các gia đình này luôn có của ăn của để, trong nhà có tới hai bục thóc, hoặc 2 – 3 cót thóc. Người giàu vẫn lo xa, chắt chiu, tiết kiệm, tuy không tránh khỏi có kẻ chê, nhưng thực là đức tính đáng quý của người làm kinh tế, không chỉ ở ngày xưa, mà còn tốt với ngày nay.
Trang Liệt còn là làng bán nông, bán thương. Trong làng có một số hộ làm nghề thủ công nghiệp như: thợ sơn, sơn mài, ghế mây, làm bong, bặt chăn bông, làm guốc… Một số hộ có cửa hàng buôn bán nồi đồng ở chợ Giầu, Phù Lưu, buôn bán trâu bò, buôn bán hàng vải… tơ lụa, buôn bán chè Thái, Tân Cương ở phố Từ Sơn. Đặc biệt, có một số hộ công thương nghiệp, sinh cơ lập nghiệp có cửa hàng buôn đồ đồng, cửa hàng vài, tơ lụa… ở các tỉnh như: Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh, Chũ tỉnh Bắc Giang, chợ Bờ Hoà Bình, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, chợ Chu Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hải Phòng, Hải Dương…Đặc biệt, làng Trang Liệt có 2 cơ sở ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và mỹ nghệ sơn mài có từ thế kỷ XVIII – XIX và có 2 nghệ nhân đã được nhà nước phong kiến tặng cho chức danh bát phẩm (tức bá hộ). Đó là:
– Cụ Nguyễn Văn Dĩnh, 1890, tức cụ Bá Dĩnh, nghệ nhân ngàng ghế mây. Từ trước năm 1918, sản phẩm mây của cụ đã được vua, quan và nhà quyền quý mua dung, được bán tận Sài Gòn và xuất khẩu sang nước ngoài, như Pháp.
– Cụ Nguyễn Quang Đoan (1883 – 1967) tức cụ Bá Lục, nghệ nhân sơn mài. Cụ làm nghề thủ công hàng mây 10 năm (1925 – 1935) sau đó, từ năm 1935 – 1945 chuyển sang hàng mỹ nghệ sơn mài. Cụ có xưởng sản xuất ở Hà Đông, với gần 100 thợ giỏi, nhiều loại hàng hóa bán trong nước và xuất khẩu, có mặt hàng đặc biệt gửi tham gia hội trợ triển lãm ở Mác Xây (Pháp) Tân gia ba. Năm 1944 cụ được phong hàm lục phẩm.
Có thể nói, từ lâu người dân Trang Liệt đã biết vượt ra ngoài luỹ tre làng để đi làm kinh tế, sinh cơ lập nghiệp khắp trong Nam, ngoài Bắc, đâu đâu cũng có.
Nhìn chung, người nông dân nghèo Trang Liệt vẫn chiếm đa số, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Họ một nắng hai sương, chân lấm ty bùn, thiếu vẫn hoàn thiếu. Người dân trong lang thiếu ăn từ 5 đến 6 tháng trong một năm chiếm khoảng 60%. Cũng còn có một sự kiện, là vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, làng Trang Liệt đột xuất xảy ra trận dịch tả và sốt định kỳ làm một số người bị chết, có ngày tới 2 đám ma. Dân làng khi đó rất lo sợ, đường làng vắng tanh, ban ngày ít quan hệ, ít đi lại, tối đến đóng cổng đi ngủ, thực là âu sầu ảm đạm…
Trang Liệt vẫn chủ yếu là một làng sản xuất nông nghiệp, “dĩ nông vị bản”. Phương ngôn bằng:
“Sĩ nông công thương”
“Nhất sĩ nhì nông”
Hết gạo chạy rông
Nhất nông nhì sĩ”
Vì thế, đối với dân làng Trang Liệt, diện tích canh tác sản xuất nông nghiệp là đặc biệt rất quý giá, “tấc đất tấc vàng”, là nguồn sống chính của người dân. Hơn nữa, ruộng đất thì không bao giờ tăng, mà chỉ có giảm đi qua năm tháng. Trong khi đó, dân cư thì mỗi ngày một tăng và vẫn phải đảm bảo cuộc sống của mình chủ yếu bằng diện tích đất ruộng đang có. Đấy là một mâu thuẫn đã có từ thời trước, nhưng thời nay, rõ ràng là nó trở nên gay gắt, quyết liệt hơn gấp nhiều lần.
Về nhân khẩu của làngTrang Liệt qua các thời kỳ thì:
– Năm 1927 có 6 xóm, 1329 nhân khẩu.
– Từ năm 1945 đến tháng 7/1954, có 395 hộ, 1580 nhân khẩu.
– Từ năm 1954 đến tháng 5/1965, có 425 hộ, 1853 nhân khẩu.
– Từ năm 1965 đến tháng 4/1995, có 735 hộ, 3043 nhân khẩu.
– Đến ngày 31/12/2007,hộ và khẩu có tổng số: 849 hộ, 3521 khẩu. Cụ thể dân cư ở các xóm là: xóm Rừng 209 hộ, 941 khẩu; xóm Bông – Né 166 hộ, 649 khẩu; xóm Nghè 120 hộ, 480 khẩu; xóm Tây Phướn 179 hộ, 696 khẩu và xóm Đá 175 hộ, 755 khẩu.
Như vậy, sau 80 năm, số dân Trang Liệt đã tăng lên, về số hộ là 3,2 lần; về số khẩu là 2,6 lần.
Trong khi đó, về ruộng đất canh tác, theo sổ địa bạ năm Thành Thái thứ V, Quý Tỵ (1899), làng Trang Liệt có diện tích 1716 mẫu, gồm ruộng công điền, đó là ruộng đền, đình, chùa, ruộng bản binh; ruộng của các dòng tộc; ruộng môn sinh (thầy đồ nho) và ruộng từ điền.
Đến trước và sau 1945, diện tích canh tác của cả làng chỉ còn có trên 687,5 mẫu (kể cả ruộng xâm canh xứ đồng Bính Hạ và Đồng Phúc). Trong đó, ruộng công và ruộng chùa có 129 mẫu, 3 sào, 5 thước. Ruộng của các phường, ruộng môn sinh… chiếm 77 mẫu 8 sào 14 thước. Đất khế ngọt, một đặc sản của Trang Liệt có 12 mẫu. Một số nhà giàu khá ruộng có 78 mẫu 8 sào thước. Ngoài ra có 10 mẫu ruộng ở Yên Khê.
Từ đó đến nay, ruộng đất của làng vẫn luôn có sự biến động theo hướng giảm mạnh. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Trang Liệt là làng có nhiều ruộng đất nhất xã. Nhưng dần dần qua các thời kỳ, Trang Liệt phải đều chỉnh diện tích canh tác sản xuất nông nghiệp cho các thôn Đồng Kỵ và Bính Hạ để bình quân ruộng đất trong toàn xã. Năm 1955 – 1956 giảm tô, cải cách ruộng đất đã lấy trên 65 mẫu 5 sào Bắc bộ của Trang Liệt để điều chỉnh cho hai thôn Đồng Kỵ và Bính Hạ.
Năm 1959 Trường trung cấp Thể dục thể thao Trung ương đã sử dụng khu rừng Sặt 50 mẫu (Bắc Bộ). Năm 1960 – 1961, trường lại xin sử dụng khu gốc sữa 6 mẫu 4 sào, cộng cả 2 đợt là 86 mẫu 4 sào (Bắc Bộ).
Năm 1962, nhà nước phát triển, mở rộng công trình thuỷ lợi, như đắp mương nổi Cống Thôn, Mương B2,1, từ cầu Đồng Phúc qua đồng Trang Liệt đi Mai Động (thuộc xã Hương Mạc); đào mương tiêu từ trạm bơm Trịnh Xá qua xứ đồngTrang Liệt đến địa phận chùa Tranh thôn Cẩm Giang và làm công trình tưới tiêu cấp 3 của hợp tác xã nông nghiệp Trang Liệt. Số ruộng đất để làm các công trình này là 137 mẫu, 7 sào (51 ha).Tổng cộng ruộng đất của Trang Liệt cho ba việc: Cải cách ruộng đất, Trường thể dục thể thao sử dụng và công trình thuỷ lợi là 289 mẫu 6 sào, quy ra là 107,02 ha.
Năm 1975,lại giao cho trường Công nghiệp hoá chất (bờ sông Tiêu)là 7,0 ha.
Năm 1965 – 1966, hợp tác xã nông nghiệp Trang Liệt hợp nhất với hợp tác xã nông nghiệp Bính Hạ thành hợp tác xã nông nghiệp Trang Hạ. Được 27 năm, đến tháng 4 – 1994, lại tách ra thành hai hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, đã điều chỉnh chia bình quân cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bính Hạ 27,5 mẫu ruộng, hiện nay hợp tác xã Bính Hạ có 67 mẫu 11 thước.
Hiện nay hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Trang Liệt chỉ còn 188 mẫu, với 61 ha lúa và 6 ha hoa màu. Thực tế này cũng là khách quan, chỉ có điều, mỗi người dân làng ta cần suy nghĩ có tính vượt trước rằng, phải làm gì, nghề gì và làm như thế nào đê tiếp tục sống no đủ hạnh phúc.