Trang chủ GÓC NHÌN Từ Sơn (Bắc Ninh): Nơi khởi nguồn phong trào xây dựng Làng văn hóa

Từ Sơn (Bắc Ninh): Nơi khởi nguồn phong trào xây dựng Làng văn hóa

Một Trang Liệt cổ kính, đậm đà bản sắc.


Trang Liệt là một làng cổ với hơn 700 năm hình thành và phát triển, qua các triều đại phong kiến, làng được phong tặng 21 sắc phong và 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong”. Năm 1987, Ty Văn hoá – Thông tin Hà Bắc đã chỉ đạo làng Trang Liệt xây dựng mô hình điểm về Làng văn hoá. Nhớ lại hơn 20 năm về trước, ông Ngô Hữu Sử, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố Trang Liệt kể “Khi đó, do đời sống kinh tế của người dân tương đối ổn định, địa phương có điều kiện tập trung phát triển văn hoá. Ngay trong năm đầu tiên đó, với tư cách là địa phương đi đầu trong xây dựng làng văn hoá, Trang Liệt không chỉ được công nhận danh hiệu Làng văn hoá mà còn vinh dự là nơi làm điểm cho các địa phương khác trong huyện, rồi tỉnh”. Từ thành công của Trang Liệt, năm 1991, Bộ Văn hoá – Thông tin (cũ, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND tỉnh Hà Bắc tổ chức Hội nghị phát động phong trào xây dựng Quy ước Làng văn hoá, thực hiện Quy ước Làng văn hoá theo mô hình của Trang Liệt tại thị xã Bắc Giang với sự tham gia của 14 tỉnh khu vực phía Bắc. Hơn 20 năm qua, phong trào xây dựng Làng văn hoá từ Trang Liệt đã lan toả khắp các địa phương trong cả nước, trở thành một danh hiệu thi đua sôi nổi giữa các khu dân cư.

Trong tâm thức của các bậc cao niên trong làng, Trang Liệt hôm nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Vẫn đó một Trang Liệt đậm đà bản sắc song đã khang trang hơn rất nhiều bởi nơi đây luôn hiện hữu sức mạnh của tình đoàn kết. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” mà trọng tâm là xây dựng làng văn hoá đã được địa phương hưởng ứng tích cực, không phải bằng hô hào khẩu hiệu mà từ chính cách thực hiện. Khởi nguồn từ nơi đây, đến nay sau 20 năm gây dựng và phát  triển phong trào đã có 463/726 thôn, làng, khu phố đạt danh hiệu văn hoá, 214.811/ 252.798 hộ đăng ký đạt gia đình văn hoá (số liệu ước đạt đến đầu tháng 12 – 2009).

Năm 1987, khi xây dựng “Làng văn hoá”, Trang Liệt đã thành lập CLB thơ “Chùm khế ngọt với 20 hội viên. Suốt mấy chục năm qua, “Chùm khế ngọt” trở thành điểm hẹn của những người yêu và ham làm thơ của quê hương này với 5 tập thơ (khoảng 1.000 bài thơ) đã ra đời. Nhắc đến Trang Liệt, hẳn nhiều người nghĩ ngay đến thư viện lá cờ đầu toàn miền Bắc những năm kháng chiến chống Mỹ, đây cũng chính là mô hình xã hội hoá có hiệu quả ở địa phương này. Thư viện thôn Trang Liệt được thành lập từ năm 1961 trên cơ sở tủ sách của chi bộ thôn với hơn 100 cuốn sách ban đầu. Bằng tấm lòng yêu sách báo và ý thức trách nhiệm cao của toàn dân, năm 2003, Nhà văn hoá thôn được xây mới với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, trong đó 1 phần dành cho các hoạt động chung của thôn, phần còn lại dành riêng cho thư viện, duy trì mở cửa thường xuyên vào các buổi trưa (khi các em học sinh có thời gian rảnh rỗi) và một số buổi tối trong tuần cho các cụ cao tuổi và hưu trí. Đây là thư viện cơ sở duy nhất trong cả nước vinh dự được Nhà nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Lao động. Hiện tại, Thư viện Trang Liệt hoạt động có hiệu quả với 22 đầu báo, tạp chí các loại và hơn 10.000 cuốn sách, phục vụ một cách chuyên nghiệp trên 500 độc giả có thẻ.

Trang Liệt hiện có hơn 1000 hộ, hơn 3600 nhân khẩu, mức thu nhập bình quân ước đạt trên 8 triệu đồng/ năm. Cư dân Trang Liệt vốn làm nông nghiệp song với sự năng động, họ xoay sang nhiều nghề: thu mua phế liệu, đồ mộc, sơn mài và các nghề dịch vụ… Kinh tế phát triển, nơi đây càng có điều kiện chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Chi hội Khuyến học được thành lập từ năm 1997, toàn khu phố có 40 dòng họ, trong đó có 15 dòng họ có Ban Khuyến học và quỹ khen thưởng riêng. Hàng năm khu phố tổ chức khen thưởng cho khoảng 150 – 170 con em đạt học sinh giỏi các cấp, đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi, đỗ đại học, cao đẳng và sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.

Trang Liệt cũng là địa phương “giàu có” về di tích lịch sử văn hoá. Nơi đây có cả cụm di tích với đình, đền (đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia), chùa đã tô đậm nét cổ kính nơi đây. Mới đây, 5 gian Tiền tế Đền Trang Liệt đã được khởi công tu bổ với tổng đầu tư 2,3 tỷ đồng do một gia đình công đức. Nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, tân gia, lễ hội được địa phương đặc biệt quan tâm, người dân đồng thuận, thực hiện tốt. Hàng năm, hội làng được tổ chức vào ngày 8-3 âm lịch với tinh thần lành mạnh, tiết kiệm mà vẫn trang trọng. Trang Liệt xây dựng quy ước từ năm 1990, đến nay đã có 3 lần sửa đổi cho phù hợp với điều kiện cuộc sống và nguyện vọng chính đáng của người dân.

Theo BN

Ý kiến bình luận