Trang chủ CỘI NGUỒN Nguồn gốc làng Trang Liệt

Nguồn gốc làng Trang Liệt

Đất nước, dân tộc Việt Nam đã tồn tại và phát triển qua bốn ngàn năm lịch sử, trong đó làng xã nông thôn, nông nghiệp là kết cấu hạ tầng cơ sở chủ yếu của nền kinh tế nông nghiệp truyền thống. Các triều đại phong kiến xưa kia rất coi trọng việc xây dựng thiết chế tổ chức làng xã một cách chặt chẽ, có nền nếp vững chắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, người dân qua nhiều thế hệ, nhiều thời đại đều gắn mình với một làng quê có quy định nền nếp, từ phong tục tập quán, lệ làng cho đến hương ước của làng xã.Vì thế, mỗi người mỗi gia đình không trở nên đơn lẻ, mà luôn có sức mạnh cộng đồng để lao động sản xuất, đấu tranh sinh tồn với các thế lực tự nhiên và xã hội. Con người hợp lại thành xã hội, là làng, là nước và để chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước trường tồn, để cộng đồng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cái nôi làng quê lại biến thành động lực, tập hợp và phát huy được tiềm năng của mỗi người.

Trang Liệt nằm ở khu vực được xem là một trong những cái nôi của nền văn minh Việt Cổ, có các di chỉ khảo cổ học, như di chỉ Phù Lưu ( xã Tân Hồng), Bãi Tự ( xã Tương Giang), Bãi Phủ, Đồng Út ( xã Đồng Nguyên) và chợ Trâu ( thị trấn Từ Sơn), thuộc các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, nên chắc chắn, từ khá sớm vùng đất Trang Liệt đã được con người chọn làm địa bàn định cư.

Tại các di chỉ Bãi Tự ( Tương Giang), Phù Lưu, Bãi Phủ ( Đồng Nguyên), nhất là di chỉ xóm Thượng (Bính Hạ), Bãi Sặt ( Trang Liệt), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của xưởng chế tác đá và hàng trăm di vật bằng gốm, đá, đồ đồng gồm các loại công cụ tinh xảo thuộc thời đại sơ kỳ đồng thau cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu. Dựa vào các hiện vật đã tìm được, các nhà khảo cổ học nhận xét : “ ít nhất trên 3.500 năm về trước đã có những nhóm cư dân người Việt cổ sinh sống bằng nghề nông, nghề chăn nuôi cũng đã khá phát triển. Hàng trăm loại đồ đựng khác nhau đã chứng minh cho sự phồn thịnh của kinh tế, những dọi xe chỉ và chì lưới cũng như mũi tên là biểu hiện của nghề làm đồ gốm ( có bàn xoay), nghề dệt vải, đánh cá, săn bắn chứng tỏ sự phong phú, đa dạng trong cuộc sống của những cư dân ở đây.”1 Những phát hiện khảo cổ học tại di chỉ chợ Trâu ( thị trấn Từ Sơn), Đồng Út ( Xuân Thụ – Đồng Nguyên), cho thấy vào giữa thời kỳ đồng thau thuộc nền văn hóa Đồng Đậu,2 các cụm dân cư đã được mở rộng vào ven bìa rừng báng, rừng sặt như Trang Liệt, Bính Hạ, Đồng kỵ. Nền kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp của các cộng đồng dân cư này khá phát triển, xã hội đã chuyển sang thời đại đồ sắt.

Những phát hiện khảo cổ học ấy đã chứng tỏ rằng, cách đây hàng ngàn năm, mảnh đất này đã là điểm dừng chân, quần cư của dòng người Việt Cổ, từ vùng rừng núi phía Bắc thiên di xuống chinh phục, chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Qua quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống mới, dần dần cộng đồng dân cư hình thành, làng xã ra đời.

Làng Trang Liệt, tục gọi là Kẻ Sặt hay Sặt Đồng, có tên chữ là Tráng Liệt hay Tráng Bà Liệt. Theo các cụ cao niên, sở dĩ gọi là Kẻ Sặt vì làng nằm cạnh rừng Sặt.

1 Bùi Thiết: Địa danh văn hóa Việt Nam ( địa danh khảo cổ học). Nxb. Thanh Niên. HN. 1996. tr.21,304.

2 Địa chí Hà Bắc. Ty Văn Hóa và Thông tin – Thư Viện tỉnh Hà Bắc, xuất bản năm 1982.tr 395 – 396.

Làng Trang Liệt còn được gọi là Sặt Đồng vì, một, xưa kia làng có nghề lọc đồng, chì, thau thiếc và nghề thu mua đồ đồng nát ( chậu, mâm, nồi đồng cũ); hai, do thế đất của làng Trang Liệt khi khởi tạo, tại khu đồng Mang, có hình công cụ làm nghề đồng, là “ cái đe” và “ cái búa” vậy nên dân gian quen gọi là Sặt Đồng. Hiện nay, tại di chỉ bãi con đồng Mang, khu mộ của họ Nguyễn Tiến xem giống như “ cái đe”, còn bãi “ Dài đồng Mang bên ngoài là hình “ cái búa”.

Cho đến nay vẫn chưa có tư liệu để xác định chính xác thời điểm ra đời của làng Trang Liệt. Nhưng theo gia phả của một số dòng họ và qua tư liệu lịch sử thì làng Trang Liệt xuất hiện khá sớm, vào khoảng thời Tiền Lê. Ban đầu, làng ở khu Đồng Mang, do hai gia đình thuộc dòng họ Phạm và họ Tống lập nên. Hai dòng họ này về sau không còn người nối dõi hoặc đã phiêu bạt đi nơi khác. Đến thời Lý, từ Đồng Mang làng dời về cạnh rừng Sặt ( địa điểm hiện nay), là nơi có bãi đất bằng, cao ráo, có nhiều gò bãi như Bãi Lim, gò Tổ Sơn, gò Đống Bến, đất đai màu mỡ lại có nguồn nước ngọt trong lành. Làng do 12 họ lập lên, gọi là “ Thập nhị tiên gia” ( tức 12 gia đình đầu tiên), gồm các họ Nguyễn, Phan, Ngô, Lê, Dương, Đỗ, Lâm, Hoàng, Tân, Vũ, Trần, Lương. Các dòng họ này cùng với nhiều dòng họ khác nhập cư đến sau vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Có nhiều căn cứ cho thấy, vào cuối thời Lý, đầu thời Trần, Trang Liệt đã là một trang ấp khá phồn thịnh, có đình, chùa, đền, miếu. Theo bản Thần tích “ Phả lục Trần triều Hoàng Thái Tử” 1, do Lễ Bộ Thượng thư Đông Các Đại học sỹ Lê Tung, soạn năm Hồng Đức thứ ba (1472), vào thời nhà Trần, huyện Đông Ngàn là đất phong cấp thực ấp của Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt, có lỵ sở đặt tại trang Tráng Liệt, sau đổi thành làng Trang Liệt.

1 Nguyễn Sâm (Khoa Trung Văn, Trường Đại học Ngoại Ngữ HN), dịch và chú giải năm 1971. Năm 1984, Viện Văn học dịch lại.

Hoài Đức vương, tên thật là là Trần Bà Liệt, con thượng hoàng Trần Thừa ( tục Trần Thái Tổ) 2. “ Đại Việt ký Toàn thư” viết: “ Nhâm Thìn, Kiến Trung năm thứ 8 (1232), mùa xuân, tháng riêng, bắt đầu định triều nghi. Phong con của thượng hoàng (Trần Thừa) là Bà Liệt làm Hoài Đức Vương.

2 Hiện nay có một số tư liệu liên quan đến Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt không đúng với chính sử. Cuốn Thần Phả do Nguyễn Sâm dịch đã nhầm lẫn “ Hoàng đế nhà Trần, vốn húy là Thừa” là vua Trần Cảnh”. Thực ra, Trần Thừa là bố vua Trần Cảnh ( Trần Thái Tông), mặc dù không làm vua nhưng ông được phong làm Thái Thượng Hoàng, Thái Tổ nhà Trần nên thần tích gọi là Hoàng đế Trần triều. Bản dịch này còn cho rằng “ Hoài Đức Vương” là “ tước phong của Trần Quang Khải” là không đúng. Các nguồn sử liệu đáng tin cậy đều khẳng định, Hoài Đức vương là tước phong của Trần Bà Liệt, anh em cùng cha khác mẹ với vua Trần Cảnh. Xét về thứ bậc trong dòng tộc thì Trần Bà Liệt thuộc hàng cha chú của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải.

Còn các tác giả cuốn “ Văn hiến Kinh Bắc”, cho rằng: Đình và đền Trang Liệt khởi đầu thờ hai mẹ con Trần Bà Liệt, sau theo chỉ dụ của vua, thờ Trần Quang Khải, một danh tướng đời Trần, lập công lớn chống giặc ngoại xâm… để tưởng nhớ công đức của ông, dân làng mở hội hàng năm vào ngày sinh mồng 8 tháng 3 âm lịch, là không có cơ sở. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quang Khải sinh tháng 10 năm 1241 và mất ngày 3 tháng 7 âm lịch năm 1294. Còn theo thần tích, Hoài Đức Vương sinh ngày 8 tháng 3 và hóa ngày 15 tháng 8 âm lịch. Đây cũng chính là hai kỳ Đại phúc và Tiểu phúc hàng năm của hội làng Trang Liệt.

Xưa thượng hoàng còn hàn vi, lấy người con gái thôn Bà Liệt ( huyện Tây Chân)3, người đó có mang thì bị ( thượng hoàng) ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, thượng hoàng không nhận con. Lớn lên, Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật.

3 Huyện Tây Chân sau đổi thành huyện Nam Chân, nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Một hôm, Bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt suýt tắt thở.Thượng hoàng thét lên: “ Con ta đấy”. Người ấy sợ hãi lạy tạ. Ngay hôm đó, thượng hoàng nhận bà liệt làm con, cho nên có lệnh này”1.

Còn sách “ Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục” viết : “ Nhâm Thìn, năm Thiên ứng Chính Bình thứ 1 (1232), tháng giêng, mùa xuân mới sắp xếp lễ nghi trong triều phong cho con là Bà Liệt tước Hoài Đức Vương. Thượng hoàng lúc còn hàn vi, có lấy một người con gái ở thôn Bà Liệt, huyện Tây Chân, khi đã có thai thì bỏ, sau khi sinh con trai, Thượng hoàng không nhìn nhận gì đến. Người con trai ấy lúc lớn lên mặt mũi khôi ngô, giỏi nghề võ, sung vào đội đánh vật. Một hôm, cùng với người trong dội đánh cầu, rồi lại cùng nhau đánh vật, người kia vật người con trai ấy ngã, chẹn lấy cổ gần tắt thở. Thượng hoàng tự nhiên quát to rằng: “ Nó là con ta đấy”. Anh kia sợ, buông ra, nhân thế gọi tên là Bà Liệt. Nay có lệnh phong tước cho”2. Sách: “ Lễ hội- truyền thống hiện đại” viết “ Làng Kẻ Sặt, còn có tên khác như: Sặt Đồng, Trang Liệt, Trang Bà Liệt. Sở dĩ gọi là Trang Bà Liệt vì đó là một các trang do một danh nhân thời Trần xây dựng, người đó gọi là Bà Liệt, có họ hàng với người anh hùng Trần Quốc Toản”3. Để nhớ công ơn, dân làng đã lấy tên ông làm tên làng và tôn phong làm Thành hoàng làng.

1 Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH, HN, 1986, tr.11.

3 Thu Linh- Thái Văn Lung: Lễ hội – truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa, HN, 1984, tr.85.

2 Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr.53.

Thời Hùng Vương ( thiên niên kỷ thứ I TCN), vùng đất Trang Liệt thuộc bộ Vũ Ninh của Nhà Nước Văn Lang – Âu Lạc. Thời Bắc thuộc, nhà nước Âu Lạc bị chia thành các quận, huyện: thời Tần (221 – 209 TCN), vùng đất Trang Liệt thuộc Quân Tượng; từ thời Hán (110 TCN – 210 sau CN) đến thời Tấn (284 –420), thuộc quận Giao Chi; thời Đường (622 – 900), thuộc quận Giao Châu, sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết: vùng đất Trang Liệt trước thuộc châu Cổ Lãm; thời Tiền Lê (980 – 1009), thuộc châu Cổ Pháp; thời Lý (1010 – 1225), thuộc phủ Thiên Đức; thời Trần (1226 – 1400), thuộc châu Vũ Ninh, lộ Bắc Giang. Thời thuộc Minh (1407 – 1427), lộ Bắc Giang đổi thành phủ Bắc Giang 4. Thời Hậu Lê, Trang Liệt là một trong 88 xã của huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Đạo. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), Bắc Đạo đổi thành đạo Bắc Giang. Từ năm Hồng Đức thứ 21 (1490), đến đầu thế kỷ XIX, vùng đất Trang Liệt, Bính Hạ thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc 5. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), trấn Kinh Bắc đổi thành trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Theo sách “ Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX ( từ Nghệ An trở ra)”, thời Gia Long (1802 – 1819), làng Đồng Kỵ thuộc tổng Nghĩa Lập, các làng Trang Liệt và Bính Hạ thuộc tổng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.

Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Trang Liệt là một xã (nhất thôn nhất xã), thuộc tổng Phù Lưu. Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng sắp xếp lại đơn vị hành chính, xoá bỏ cấp tổng, phủ, thành lập cấp xã làm đơn vị cơ sở. Đầu năm 1946, các làng Trang Liệt và Bính Hạ hợp thành xã Trang Hạ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 9-7-1949, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I ra Quyết định số 422PC/2 hợp nhất hai xã Trang Hạ và Đồng Kỵ thành xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

4 Thời Trần và thời thuộc Minh chưa rõ vùng đất Đồng Quang thuộc huyện Đông Ngàn hay huyện Từ Sơn.

5 Quốc sử quán triều Nguyễn:  Đại Nam nhất thống chí. Nxb Thuận Hoá, 1996, tập 4, tr57.

Ngày  27- 10- 1962, Quốc hội khoá II ra nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 14-3-1963, Chính phủ ra Quyết định số 25/ QĐ hợp nhất hai huyện Từ Sơn và Tiên Du thành huyện Tiên Sơn. Xã Đồng Quang thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.

Ngày 6-11-1996, Quốc hội khoá IX phê chuẩn việc tách tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 9-8-1999, Chính phủ ra quyết định số 68/ CP tách huyện Tiên Sơn thanh hai huyện Từ Sơn và Tiên Du, xã Đồng Quang thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Mới đây, theo Nghị định số 01/NĐCP, ngày 24-9-2008, thành lập Thị xã Từ Sơn ( tỉnh Bắc Ninh), xã Đồng Quang lại tách ra và làng Trang Liệt cùng với Bính Hạ trở  thành phường Trang hạ, còn thôn Đồng Kỵ thành phường Đồng Kỵ. Vậy là, làng Trang Liệt từ làng, nay trở thành khu phố Trang Liệt.

Đến thời Hậu Lê, Trang Liệt đã là một làng xã phát triển mạnh, dân số tăng nhanh, có nhiều người đỗ đạt cao. Theo sổ địa bạ năm Thành Thái thứ 5(1893), làng Trang Liệt có diện tích tự nhiên là 1.773 mẫu Bắc Bộ, trong đó có 1.716 mẫu ruộng đất canh tác các loại. Năm 1927, làng Trang Liệt có 5 xóm với 1.329 khẩu và hiện nay có gần 4000 khẩu với hàng chục dòng họ lớn nhỏ. Tiếp nối truyền thống thuần phong mỹ tục của cha ông, ngày nay Trang Liệt vẫn giữ được nhiều phong tục  tập quán tốt đẹp đã được nâng lên trong thời đại mới và là làng văn hoá tiêu biểu1.

Nói tới quê hương mình, người dân Trang Liệt trước hết tự hào là một làng quê có truyền thống văn hóa lâu đời, vốn được suy tôn và chính trị cầm quyền thừa nhận từ lâu.

1Xem: Lịch sử xã Đồng Quang, Đảng Uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh; PGS. TS Ngô Hữu Thảo (chủ biên) và TS. Nguyễn Phú Lợi, Nxb Văn hoá dân tộc, HN, 2006, tr.6-18.

Bằng chứng là, vua Tự Đức đời thứ 24, năm 1871 đã ban tặng cho làng Trang Liệt bức Đại Tự với 4 chữ: “ Mỹ tục Khả Phong”, có nghĩa là làng có phong tục đẹp về văn hoá. Bức đại tự “ Mỹ tục Khả Phong” đã nói lên đầy đủ truyền thống tốt đẹp của làng Trang Liệt, là có một nền văn hoá truyền thống tốt đẹp, văn võ kiêm toàn.

Trang Liệt nằm bên quốc lộ 1A và  tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, cách thủ đô Hà Nội 18km về phía Đông Bắc, kề sát với thị trấn Từ Sơn, cách thị xã Bắc Ninh khoảng 12km về phía Nam và có tỉnh lộ 279 từ quốc lộ 1A lên vùng Hiệp Hoà, Nhã Nam (Bắc Giang), Đại Từ, Phú Bình (Thái Nguyên). Phía Đông Bắc, Trang Liệt giáp thôn Cẩm Giang, xã Đông Nguyên; phía Đông Nam giáp thị trấn Từ Sơn và thôn Bính Hạ; phía Tây Nam giáp thôn Trịnh Nguyễn, xã Châu Khê và phía Tây Bắc giáp thôn Đồng Kỵ. Trang Liệt có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng.

Ngay từ thời Tiền Lê (980 – 1009), làng Trang Liệt đã có nhiều đặc điểm.

  • Một: Từ hàng ngàn năm, làng Trang Liệt có một khu rừng tự nhiên, có tên là “ Rừng Sặt” với nhiều cây gỗ quý như: Lim, Sến, Cúm ( xưa gọi là gỗ Rặm), khu rừng có diện tích khoảng 40-50 mẫu ( Bắc Bộ).
  • Hai: Làng Trang Liệt nằm sát rừng Sặt. Rừng Sặt có thế đất là hình con rồng đang ấp trứng. Hàm rồng ngậm hòn ngọc, hai tai rồng là bãi Mả Ngò và bãi Mả Mục, rốn rồng là ao Mả Đỉa, đuôi rồng là rừng Con (Mả Bé), còn làng Trang Liệt là một bọc trứng rồng.
  • Ba: Khu Hàm Rồng còn có dấu tích của lăng thành bà Cống Quận, có tên thật là Tân Thị Thắm. Bà mất, chưa có thẩm định chính xác thời gian, là ngày 27-3 âm lịch, năm 1649.
  • Bốn: Từ đời xa xưa làng Trang Liệt có 7 cái ao con thiên tạo, gọi là Thất tinh. Đền Trang Liệt di chỉ Tiền Tam thai, Hậu Ngũ nhạc.
  • Năm: Có nhiều dấu tích lịch sử liên quan đến quan hệ tình cảm giữa ba làng: Trang Liệt, Bính Hạ và Đồng Kỵ. Trang Liệt với Bính Hạ như làng trên xóm dưới, quan hệ kết hôn 2 làng như một, với các di chỉ là bãi Mả Mục, gò Tam thai ( ba gò Đồng Vỡ, Bính Hạ). Còn Trang Liệt với Đồng Kỵ có di chỉ là Cầu Đôi, nằm giữa 2 làng. Thuộc địa giới Trang Liệt có một cầu 5 gian, còn bên Đồng Kỵ có một cầu 3 gian. Từ đời xưa, hai làng đã có tục kết chạ, quan hệ tình cảm như an hem, có lễ ăn giải khi 2 làng có hội lệ. Nhân dân xã Đồng Quang vẫn thường gọi thân mật bà làng là “ thôn Thượng- thôn Trung – thôn Hạ”. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã dần phá vỡ tư tưởng phong kiến và trải qua 60 năm dưới chế độ mới, sự đoàn kết gắn bó anh em giữa 3 làng càng thêm khăng khít, do hợp nhất thành một xã.

(Theo Ngô Hữu Xuất -Làng Trang Liệt “Truyền thống xưa và nay”)

Ý kiến bình luận