Trang chủ VĂN HÓA PHONG TỤC TẬP QUÁN Tục kết chạ anh, chạ em

Tục kết chạ anh, chạ em

Từ xa xưa có tục kết chạ anh, chạ em , có nghĩa là kết hợp chung một nguồn gốc, do bản địa dân cư và có ruộng đất xâm canh, canh tác gần nhau, giúp nhau sản xuất, bảo vệ nguồn nước, chống úng, chống hạn. Tục kết chạ là một truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái cộng đồng tốt đẹp của dân Trang Liệt cần được gìn giữ và phát huy.

Từ xa xưa nhân dân hai làng Đồng Kỵ và Trang Liệt kết chạ anh, chạ em với nhau. Người dân cả hai bên đều khiêm tốn gọi nhau là “quan bác”, hoặc “quan anh”. Những năm hai làng kết nghĩa anh em thật là thắm thiết, giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh và khi mỗi làng mở hội đều có đông người sang hội đám, gọi là “lễ ăn giải”, dấu tích “Đường ăn giải” từ ao Lấp tát (cũ) đến đường cầu Đôi bây giờ vẫn còn.

Di ngôn truyền lại rằng, điểm tự nhiên làm sây sứt quan hệ tình cảm anh em giữa hai làng vì có hai vợ chồng (người hai làng) bất hòa, cãi nhau và không ở với nhau nữa. Họ sinh được một đứa con và hai bên giao ước: Một người nuôi con ban ngày, một người nuôi con vào ban đêm, để con ở cầu Đôi. Không may đêm đó trời mưa to, gió lớn, bên nuôi con ban đêm cứ tưởng mưa to thì bên kia không đem con để ở càu Đôi được. Không ngờ, đúng hẹn dù trời mưa to, bên  kia vẫn mang con ra để ở cầu Đôi và thế là, do không có người đón về nuôi nên đứa con chết. Hai vợ chồng nọ giải quyết bằng cách xé đôi con, mỗi bên một nửa. Từ đó có lời nguyền hai làng không quan hệ kết hôn với nhau nữa. Cũng từ đó, nhân dân hai làng Đồng Kỵ – Trang Liệt cũng không kết chạ anh, chạ em với nhau nữa.

Dấu tích lịch sử của câu chuyện này hiện nay vẫn còn, đó là 5 gian cầu Đôi lợp ngối thuộc địa phận Trang Liệt và 3 gian cầu Đôi ngói thuộc địa phần Đồng Kỵ với cây Duối đôi (trạc 3) qua đường cái cầu Đôi. Đến nay vẫn còn có dư âm “gò ông Đống, cây Duối đôi, cầu Đôi”. Thật là lời nguyền sâu sắc đoạn tình đoạn nghĩa anh em. Phương ngôn có câu:

Trăm năm bia đá thời mòn

Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.

Sau đó Trang Liệt kết chạ anh, chạ em với làng Yên Thường. Nhân dân hai làng chung một nguồn gốc vào đời vưa Lê Hy Tôn (1671 – 1705). Vào thế kỷ thứ XVI, bà Cống Quận được nhà vua phong chứ Quận Công và ban cho 10 mẫu ruộng tại Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Từ Sơn (cũ), Nay là huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội. Quan hệ kết nghĩa anh em ngày càng sâu sắc, gắn bó thắm thiết.

Hàng năm khi hai làng vào đám (hội làng) đều có mời nhau. Làng ta mời chạ anh vào sáng 9-3, nhận lời mời gọi là: ăn giải. Đoàn đi, thường có từ 8- 10 người gồm ban trưởng, hội tư văn, chức dịch… mang theo một lễ, từ 50 đến 100 khẩu trầu đựng trong “quả” sơn son phủ khăn đỏ. Đoàn chạ Yên Thường hay đi bộ theo đường quốc lộ số 1, qua đến Bính Hạ đi vào cổng Tây. Dân ta khiêng lọng đình, cờ quạt, binh khí, biển, chiêng trống…ra đón tại cổng Tây, có khi đám rước đến bãi cầu Mái, xưa gọi là “rước chạ anh” . Mọi người ra đón thể hiện dân làng mến khách cao dộ, theo đúng lời nhắc nhờ của bậc tiền nhân đã ghi trên nóc cổng Tây ba chứ Hán “Sù Chự Dự”, nghĩa là lấy mọi tiếng khen.

Quả tháp đựng trầu của chạ anh được đặt vào song đình để rước về đình lễ. Lễ thánh xong, đoàn chạ anh đi xem hội, dự một bữa tiệc rượu có xôi thịt và dự hát ca trù (hát ả đào). Thời gian tiếp đãi diễn ra khoảng 2 tiếng, chào đón mời mọc rất là thịnh soạn, đều có bài soạn sẵn, chủ yếu theo thể thơ thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu). Những cuộc giao lưu như thế này, sứ mệnh của trưởng đoàn và đoàn viên là rất lớn, họ phải là những người biết giữ lễ, có tài giao tiếp và có uy tín với cả hai bên thì mới thành công trong việc “mang chiêng đi đầm nước người”.

Ý kiến bình luận