Từ chỉ của làng Trang Liệt có từ thời Lê Hồng Đức năm thứ 3 (1472). Đây là nơi thờ Đức Khổng Tử, các vị hiền triết và 8 vị đỗ đại khoa (tiến sỹ) của làng. Tháng 6 năm Bính Tuất đời vua Minh Mạng thứ 7 (1826), vào ngày tốt đã khắc bia đá : « Tiến triết bi ký », do trường Quốc Tử Giám Viên tế tửu Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), quê làng Đa Loan, huyện Đường An tỉnh Hải Dương soạn.
Cùng năm Bính Tuất (1826), Hội tư văn làng họp bàn việc tu sửa, xây dựng từ chỉ theo quy mô cổ kính để thờ các bậc tiên triết làm gương cho các thế hệ đời sau noi theo. Nhà từ chỉ do Hội tư văn tổ chức, thành lập và quản lý, gồm có trên 40 hội viên (xưa các cụ phải mua tư văn), có ruộng học (ruộng tư văn có độ trên 4 mẫu 2 sào) bán đấu thầu canh tác để lấy tiền chi tiêu cho việc lễ bái của hội. Hàng năm hội có 2 tiết lễ xuân – thu nhị kỳ, vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Ngày nay nhà văn chỉ không còn, song bằng trí nhớ, có thể thấy toàn cảnh như sau :
1. Ba gian toàn bằng gỗ Lim, là nhà thờ chính đức Khổng Tử và 8 vị của làng Trang Liệt đỗ đại khoa tiến sỹ.
2. Ba gian tiền đường toàn bằng gỗ lim.
3. Ba gian nhà Tạo soạn (để làm cỗ)
4. Xung quang xây tường thấp, cao 1m30, sân lát gạch.
5. Ngoài cổng Tam môn (có án)
Sau thời kỳ sửa sai, băm 1955, do tình hình tế lễ, cúng bái ở nông thôn miền Bắc có sự giảm dần và thay đổi, trong đó có làng Trang Liệt, nên chính quyền địa phương đã chuyển toàn bộ nhà văn chỉ vào trong làng để xây dựng cơ sở hạ tầng.