Trang chủ VĂN HÓA CÔNG TRÌNH VĂN HÓA Đền làng Trang Liệt

Đền làng Trang Liệt


Vào cuối thời Lý đầu thời Trần, Trang Liệt đã là một trang ấp sầm uất, khá phồn thịnh và có rất nhiều di chỉ, như đền, đình, chùa, miếu mạo… Hoài ĐứcVương Trần Bà Liệt đã mộ quân ở làng Trang Liệt, đi theo Hưng ĐạoVương Trần QuốcTuấn đánh giặc Nguyên, lập được nhiều công lớn. Sau khi ông mất, để nhớ công ơn, dân làng Trang Liệt dựng miếu thờ, tôn phong làm Thành hoàng làng.

Đền làng còn thờ Trần Quang Khải, một danh tướng thời Trần đánh thắng giặc Nguyên (1285) và theo chỉ dụ của nhà vua, dân làng thờ ông. Như vậy, đền làng Trang Liệt thờ Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là phối thờ.

Đình và đền ban đầu nằm trên bãi Đền Nghè hiện nay, khi làng Trang Liệt còn ở Đồng Mang. Ban đầu, ngôi đền của làng chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ Thành hoàng làng. Ngôi đền Trang Liệt được ghi vào sử sách là từ thời nhà Trần, năm 1226 và đến nay (năm 2006) là 780 năm.

Ngôi đền có kiến trúc hình chữ Vương, trước cửa có 1 cái ao khá lớn. Ngôi đền được xây dựng với quy mô lớn từ năm Chính Hoà thứ 23 (1676). Năm 1740, đền được trùng tu lại khang trang hơn. Đến năm 1743, đền làng lại được tiếp tục tu bổ thêm. Tiếp theo, đến năm Cảnh hưng thứ 28 (1767) quan viên hương lão trong làng quyên góp lòng hảo tâm của dân làng sang sửa lại đền thêm phần khang trang hơn, nội thất được trang bị, bổ sung nhiều hơn, vì thế đến sau này, tới cuối thế ky XX,mới có đợt tu bổ tiếp.

Đến thế kỷ XV(1472) ngôi đền được nhà nước phong kiến Việt Nam công nhận là đền thờ “phúc thần Thượng đẳng ĐạiVương”. Dưới 3 triều vua: Hậu Lê, Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Gia Long, đã có 21 đạo sắc phong cho đền Trang Liệt.Trong đó, triều Lê có 9, Nguyễn Quang Trung có 4 và Nguyễn Gia Long có 8. Cụ thể:

TT Triều vua Niên hiệu Năm
1 Lê Huyền Tông Cảnh trị năm thứ 8 Canh Tuất
2 Lê Gia Tông Dương Đức năm thứ 3 Giáp Dần
3 Lê Hy Tông Chính Hoà năm thứ 4 Quý Hợi
4 Lê Dụ Tông Vĩnh Thịnh năm thứ 6 Canh Dần
5 Lê Duy Phường Vĩnh Khánh năm thứ 2 Canh Tuất
6 Lê Hiển Tông Cảnh Hưng năm thứ nhất Canh Thân
7 Lê Hiển Tông Cảnh Hưng năm thứ 28 Đinh Hợi
8 Lê Hiển Tông Cảnh Hưng năm thứ 44 Quý Mão
9 Lê Mẫn Đế Chiêu Thống năm thứ 1 Đinh Mùi
10 Nguyễn Huệ Quang Trung năm thứ 4 Tân Hợi
11 Nguyễn Quang Toản Cảnh Thịnh năm thứ 1 Quý Sửu
12 Nguyễn Quang Toàn Cảnh Thịnh năm thứ 4 BínhThìn
13 Nguyễn Quang Toản Bảo Hưng năm thứ 1 Tân Dậu
14 Nguyễn Thế Tổ Gia Long năm thứ 9 Canh Ngọ
15 Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng năm thứ 5 Giáp Thân
16 Nguyễn Hiền Tổ Thiệu Trị năm thứ 4 GiápThìn
17 Nguyễn Dực Tông Tự Đức năm thứ 3 Canh Tuất
18 Nguyễn Dực Tông Tự Đức năm thứ 33 Canh Thìn
19 Nguyễn Cảnh Tông Đồng Khánh năm thứ 2 Mậu Tý
20 Nguyễn Duy Tông Duy Tân năm thú 3 Kỷ Dậu
21 Nguyễn Hoàng Tông Khải Định năm thứ 9 Giáp Tý

Ngôi đền được xây dựng trên mảnh đất có diện tích khoảng 1.817 m2, ngay trên nền đất cũ (Cổ Trạch) chính nơi ở của hai mẹ con Trần Bà Liệt. Nền cũ bọc trứng rồng mà xưa kia truyền lại “Hổ, rồng ôm bọc trứng”.

Nếu đi từ ngoài vào, có thể hiểu được kiến trúc và các di vật trong đền bố trí như sau:

1. Cổng Tam quan đền, cửa bên ngoài có 4 cánh, 2 cánh to ở giữa, nhỏ bên tả, bên hữu. Cửa đóng thượng song hạ bản.

2. Phía trên 2 cánh cửa bên tả và hữu có chữ “túc túc”, “đồng đồng” có nghĩa”mẹ mẹ”, “con con” Tại sao không dung chữ”mẫu mẫu” mà lại dung 2 chữ”túc túc”? Vì theo chữ cổ, là mẹ có cha, ý nói cha là “Thượng hoàng Trần Thừa”

3. Tam quan đền bên tả – hữu có 2 võ sĩ cầm đại dao đứng canh gác.

4. Tam quan đền (bên trong) có 2 cánh cửa lớn, sơn son thiếp vàng.

5. Tại hiên tam quan bên trái (tả) dựng lên 1 cây hương đá (niên hiệu Đại Chính Hoà năm thứ 23 – 1676). Còn hiên tam quan bên phải (hữu) trên xà treo một quả chuông to, được đúc vào năm Tự Đức thứ 2 (1849)

6. Trước cửa đền có 1 cái ao. Đó là mặc tưởng 2 chữ mẹ – con, một niệm ý về tình cảm, nổi lên là sự kiện lịch sử nhắc tới hai mẹ con Hoài đức vương Trần Bà Liệt. Tam quan đền có hai lần cửa là rất phù hợp với lịch sử đền Trang Liệt. Giữa Tam quan có bài trí án thư cổ gọi là Kỳ Thư, có nồi hương đình tròn bằng đồng và 2 cây nến bằng gỗ.

Nội thất ngôi đền hiện còn có nhiều bức hoành phi, câu đối cổ, chứng minh về lịch sử dài lâu của làng Trang Liệt. Câu đối giữa giải treo ở nhà Tiền Đường, đọc từ trái sang phải là:

Địa hiển linh ngũ nhạc tam thai triều cung ngoại

Thiên hoàng diễm phái tiền chì cựu thuỷ dựng chung sơ

Dịch nghĩa:

Đất lớn hiến dâng năm núi ba gò chầu hướng ngoại

Thiên hoàng phải thích hồ xưa nước cũ chứa tự ban đầu

Nhà hậu cung: thờ tượng đức Thánh Trần và tượng đức Thánh Mẫu.

Đại diện gian giữa có bức đại tự: Thánh cung vạn tuế, dịch nghĩa: Thánh cung muôn năm. Nhà trung đường có bức đại tự: Duy nhạc giáng thần, dịch nghĩa: Tứ núi giáng thần. Nhà Tiền đường có bức đại tự đề: địa linh nhân kiệt, dịch nghĩa: Đất sinh người giỏi. Bức đại tự ngoài: Vạn cổ anh linh; dịch nghĩa: Muôn thủa anh linh (cao quý thiêng liêng). Tam quan 3 gian rộng, có bức đại tự: Tối Linh Từ, nghĩa là: Đền rất thiêng.

Bên cạnh đền là khu nhà đòn (trước các cụ để đòn, kiệu rước…), toà nhà 3 gian gỗ lim, nơi thờ thần tiên nông “thần nông nghiệp”, phù hộ cho nông dân sản xuất nông nghiệp ngày càng khá giả “phong đẳng hoà cốc”, nghĩa là: Mưa thuận gío hoà, mùa màng bội thu.

Toà nhà Tiên nông (nhà đòn) 5 gian lợp ngói, gỗlim, được xây dựng từ thế kỷ XVIII, đã sửa chữa nhiều lần, sau này làm trụ sở Hội đồng hương hội.

Trước cửa nhà đòn có 1 cái ao con, chung quang là cây dành dành, cây cối xum xuê, nước trong vắt, phong cảnh mát mẻ êm dịu…

Đền trông ra hướng Nam, có thế đất”tiền tam thái, ngũ nhạc”. Tiền Tam Thai là 3 cái gò, cách mặt trước đền khoảng 700m, xứ đồng Vỡ Bính Hạ, nằm trên đường đến bài Mả Dặm, xóm Trạch. Còn Hậu Ngũ Nhạc là 5 mộ nhỏ nằm trên khu nhà ông Ngô Hữu Bằng xóm Rừng (Rộc Né cũ). Đền nằm trên nền miếu cũ, vốn là “bọc trứng rồng”

Chung quang đình – đền có 7 cái ao nhỏ (thất tỉnh):

1. Ao con:cụ Cựu Ngũ xóm Phướn

2. Ao ông Vũ Công Mỵ xóm Phướn

3. Ao Chạ: bốt ao Chạ nay là nhà ông Ngô Hữu Đàm

4. Ao con: cụ Ngô Hữu Bốn xóm Nghè.Nay là nhà ông Ngô Hữu Khoản.

5. Ao nhà thờ họ Ngô

6. Ao nhà ông Nguyễn Văn Hán, nay là nhà ông Nguyễn Văn Hải (Trọng)

7. Ao nhà đòn cũ nay là nhà khách Trang Liệt.

Đền được nhân dân tu tạo xây dựng, bảo vệ, lại có các cụ thủ từ, ngoài việc trông nom bảo vệ tài sản nội thất trong đền, sớm tối đèn nhanh hương khói và còn tiếp đón nhân dân trong làng, khách thập phương đến tham quan, lễ bái thường xuyên, rất tôn nghiêm, sầm uất.

Các cụ thủ từ qua từng thời kỳ:

TT

Tên Thời gian
1 Vũ Tự Nhung (cụ Từ Nhung) 1931 – 1938
2 Ngô Hữu Chung 1939 – 1944
3 Phan Đình Chín 1945 – 1950
4 Lê Tiến Chức 1951 – 1957
5 Phan Đình Sính 1958 – 1961
6 Vũ Công Quyền 1962 – 1963
7 Dương Bá Mạo 1964 – 1972
8 Ngô Hữu Khánh 1973 – 1983
9 Phan Đình Thỉnh 1984 – 1989
10 Nguyễn Văn Ban 9/1989 – 1994
11 Nguyễn Văn Minh 1995 – 2008
12 Nguyễn Quang Nhiệm 2/2009 – 10/2009

Hội tự văn (có khoảng 40 cụ), là những người chịu trách nhiệm tổ chức các tiết lệ, tế gồm có 16 việc… Hàng năm có các tiết lệ, tế lễ linh đình, như: xuân, thu, nhị kỳ – lễ hạ điền, là lễ xuống đồng, lễ thượng điền là lễ lên đồng, lễ xôi mới – lễ cơm mới, thường vào tháng 9 – 10 âm lịch là gặt lúa sớm. Ngoài ra, đều đặn là lễ Sóc Vọng.

Đền Trang Liệt được nhân dân giữ gìn và tu sửa cẩn thận, chu đáo. Các công trình và các đồ vật của đền đều thuộc loại đồ cổ được nhân dân bảo quản tốt.

Ý kiến bình luận