Trang chủ TRUYỀN THỐNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP & NHẬT Thời kỳ xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng(Từ 19-12-1946 đến 7-1949)

Thời kỳ xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng(Từ 19-12-1946 đến 7-1949)

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 18-12-1946 thực dân Pháp gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của lực lượng tự vệ ta, đặt dân tộc ta trước sự lựa chọn cuối cùng là phải cầm vũ khí đứng lên bảo vệ nền độc lập dân tộc. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”: Toàn dân toàn diện kháng chiến, già trẻ gái trai ai có súng dùng súng, ai có dao dùng dao, ai có gươm dùng gươm vùng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhân dân Trang Hạ nói chung, Trang Liệt nói riêng chuẩn bị tinh thần và lực lượng sẵn sàng tham gia kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, chính quyền thực hiện chủ trương trường kỳ kháng chiến.

Tháng 2-1947, Trang Liệt thành lập Uỷ ban bảo vệ (tức là Uỷ ban kháng chiến), gồm có các ông Ngô Quý Thu, chủ tịch Uỷ ban; Ngô Hữu Âm, trưởng ban bảo vệ; Ngô Sỹ Thuỷ, phụ trách quân sự và Ngô Hữu Hồng, trưởng ban phá hoại, kiêm chính trị viên xã đội. Theo đó, công tác xây dựng, củng cố lực lượng dân quân du kích được tăng cường, thanh niên du kích Trang Liệt có 36 người, do đồng chí Thuỷ làm trung đội trưởng.

Phong trào phát triển rất sôi nổi, nhiều phụ nữ cũng tham gia du kích, như các chị Nguyễn Thị Nhạn, Nguyễn Thị Tẹo, Ngô thị Quyền, Nguyễn Thị Năm (Lê)… Nhưng đến tháng 7-1949, làng ta lập tề, các chị không tham gia du kích nữa, ở lại làng tề. Với khí thế chuẩn bị tư thế chiến đấu, đoàn thanh niên, phụ nữ, dân quân, du kích tập trung tại đình làng luyện tập quân sự, còn các em thiếu nhi, nhi đồng vui chơi hò hát. Bà Đài mở quán bán hàng phục vụ quà ăn uống, nước giải khát. Ông Sửu cho nhờ đất để bán hàng tối (nay là nhà cụ Tử Minh, xóm Phướn). Đêm nào cũng như đêm nào, cứ từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm, tỏng làng rất đông vui, khí thế như ngày hội, kéo dài từ sau ngày toàn quốc kháng chiến đến năm 1947-1948.

Các đơn vị dân quân du kích được phiên chế làm 3 tiểu đội, kết hợp với ban bảo vệ an ninh thôn xóm tuần tra ngày đêm, 24/24, phòng giam bảo mật, trụ sở thường trực tại cầu Con, trước cửa đình. Làng được xây dựng thành làng chiến đấu, đắp ụ giao thông từ xóm nọ sang xóm kia, rào làng, làm công tán. Ụ giao thông ở xóm Đá, từ nhà ông Bẩy sang nhà ông Ân; xóm Phướn, đắp qua nhà bà My sang cổng toang nhà cụ giáo Tư; xóm Nghè, dắp qua nhà ông Ba Tổng sang nhà đòn.

Lực lượng thanh niên nam nữ, dân quân còn tổ chức đi phá hoại đường sắt, đường quốc lộ 1A. Dân quân du kích tuần tra canh gác ngày đêm, nếu địch tấn công càn quét thì báo động cho người già, trẻ em tản cư, sáng đi chiều về, ra chùa Dưới, thực hiện vườn không nhà trống. Thời kỳ nào địch tăng cường càn quét gay gắt thì đưa dân đi tản cư lâu dài, sang bên kia sông Ngũ huyện khê, như Nghĩa Lập, Phù Khê, Kim Bảng, Me Mấc. Có gia đình còn tản cư xa hơn, đến Thiết Bình Hà Vĩ (Cuội). Năm 1947-1948, địch tăng cường tấn công vào làng, đốt nhà giết người, cướp của, bao vây chiếm đống ở post Chờ, đường 16, dân Trang Liệt, Bính Hạ phải tản cư sang Xà Ngọt, Chiêng, Bắc Lý, Cầu Rô, thuộc Hiệp Hoà, Bắc Giang. Mặt khác, ta cũng tổ chức lực nam nữ dân quân, du kích ở lại làng ngày đêm canh gác bảo vệ thôn xóm để nhân dân làm vụ mùa năm Kỷ Sửu (1949). Năm 1947-1948, địch lập vành đai dốc Lã, theo sự chỉ huy của huyện đội Từ Sơn, dân quân Trang Liệt như các ông Nguyễn Tiến Quỳnh, Phan Đình Thỉnh, Nguyễn Đức Tuyến, luân phiên với du kích Đình Bảng gác ở trạm Dốc Lã. Tháng 2-1947, thành lập Hội binh sĩ bị nạn, gồm 5 người, do ông Nguyễn Văn Đảng làm hội trưởng, nhằm giúp đỡ các gia đình liệt sỹ, thương binh, theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và xây đài liệt sỹ ở sân bàn cờ (năm 1949, ban tề phá dỡ đài liệt sỹ đó).

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tháng 9-1947, Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kháng chiến xã hợp nhất, lấy tên là Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Trang Hạ, do ông Nguyễn Tiến Thân làm chủ tịch. Công tác xây dựng Đảng, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng cứu quốc cũng được củng cố, bầu ra các người đứng đầu và phát triển hội viên mới. Chi bộ Trang Hạ từ 3 đảng viên, đến năm 1947, kết nạp được 12, nâng số đảng viên lên 15, do đồng chí Phan Đình Nguyên làm bí thư. Đến năm 1948, chi bộ kết nạp được 29 đồng chí, nâng số đảng viên lên 44. Đến tháng 5-1949, kết nạp được 9 người, chi bộ có 53 đảng viên, do đồng chí Lê Tiến Áp làm bí thư.

Các tổ chức cách mạng được củng cố.

–         Mặt trận Liên Việt, đồng chí Ngô Hữu Âm hội trưởng.

–         Đoàn thanh niên cứu quốc, đồng chí Ngô Hữu Xuất bí thư xã đoàn.

–         Hội phụ nữ cứu quốc, bà Phan Thị Châm hội trưởng.

–         Hội nông dân cứu quốc, ông Vũ Công Kiệm hội trưởng (từ 7-1949 làm lý trưởng tề).

–         Đội thiếu niên nhi đồng cứu quốc, đồng chí Bạch Thị Nhâm phụ trách.

Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể cứu quốc đẩy mạnh phong trào thi đua “kháng chiến kiến quốc”, động viên nhân dân tích cực sản xuất, xây dựng đời sống mới; vận động hội viên, đoàn viên tham gia phong trào bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ; động viên con em lên đường tòng quân giết giặc, xung phong vào đội du kích, tự vệ chiến đấu bảo vệ quê hương.

Thực hiện chủ trương của Liên khu uỷ liên khu I về việc điều chỉnh đơn vị hành chính, theo Quyết định số 442/PC2, ngày 9-7-19491, hai xã Trang Hạ – Đồng Kỵ hợp nhất thành xã mới, lấy tên là xã Đồng Quang.

1 Uỷ ban kháng chiến Liên khu 1 quyết định số 442/ngày 9-7-1949 công nhận xã Đồng Quang Từ tháng 7-1949 hoạt động theo đơn vị hành chính mới.

Từ tháng 6-1949, địch tăng cường tấn công vào làng, hầu hết nhà tranh, từ xóm Bông đến xóm Phướn, đều bị đốt. Tháng 6-1949, địch đóng ở ga Từ Sơn, bắn pháo, súng trường vào xứ đồng Muông, cụ Ba Lác đang cấy trúng đạn bị thương, sau chết. Trận càn ngày 2-9 Kỷ Sửu (1949), Pháp tấn công vào Trang Liệt gây thiệt hại nhiều người và của. Chúng đốt phá nhà cửa ở xóm Bông lần thứ 2. Trận này chúng bắn chết cụ cựu Tính, cụ Hạch (còn gọi là cụ Hẹ), ông Nghếch – chết ở cổng nhà thờ họ Nguyễn Quang, ông Lệ (Thạnh) – chết ở ruộng khu Mả Ngò, ông Kính (Bính Hạ), tản cư ở nhà ông Thủ Nhẫn cũng bị bắn chết, còn bà Thủ Nhẫn bị thương. Ngày 7-7 Kỷ Sửu, địch vào làng bắn cô Hoài ở Ba Cây, bị thương nặng mang lên Sổ, Mai Đình thì chết. Ngày 1-8 Kỷ Sửu, địch bắn chết ông My ở sau trại.

Kháng chiến bùng nổ, công tác xây dựng lực lượng dân quân du kích được đặc biệt đẩy mạnh. Mọi người được học tập để nắm vững nội dung cơ bản của đường lối chiến tranh du kích; được bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và thường xuyên tập luyện quân sự, có tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, có ý chí chiến đấu cao. Đồng thời cũng thành lập tổ nữ cứu thương.

Ý kiến bình luận