Trang chủ TRUYỀN THỐNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP & NHẬT Thời kỳ xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng(Từ 2-9-1945 đến 19-12-1946)

Thời kỳ xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng(Từ 2-9-1945 đến 19-12-1946)


Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đó là một nhà nước Độc lập Tự do. Ngày 2-9-1945, tại Quảng Trường Ba Định lịch sử, Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Người khẳng định, “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lúc này, vấn đề kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, mặt trận và các đoàn thể quần chúng được đặt lên hàng đầu, hàng loạt khó khăn thử thách được Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: Đồng bào cả nước chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm.

Tháng 9 – 1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng Trang Liệt trao chuyển chính quyền cho Uỷ ban hành chính lâm thời. Uỷ ban hành chính lâm thời gồm có các ông: Ngô Hữu Lẫm, chủ tịch; Phan Đình Cầm, phó chủ tịch; Vũ Thái Khoan, uỷ viên quân sự và cụ Phan Đinh Châu, uỷ viên văn hoá. Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ở Trang Liệt cũng được củng cố, bầu ra Ban chấp hành Mặt trận và các đoàn thể cứu quốc để tổ chức học tập, sinh hoạt, đẩy mạnh hoạt động đi vào nề nếp.

Mặt trận Việt Minh do ông Phan Đình Nguyên làm bí thư.

– Đoàn Thanh niên do đồng chí Ngô Hữu Xuất làm bí thư.

– Hội phụ nữ cứu quốc do đồng chí Phan Thị Châm làm hội trưởng.

– Hội nông dân cứu quốc do ông Nguyễn Như Kiểm làm hội trưởng.

– Hội phụ lão cứu quốc do cụ Phan Đình Châu làm hội trưởng.

– Đội thiếu niên- nhi đồng cứu quốc do đồng chí Ngô Kim phụ trách.

– Đội Tự vệ chiến đấu do đồng chí Ngô Sỹ Thuý xã đội trưởng, đồng chí Ngô Hữu Hồng chính trị viên.

Nhà nước dân chủ đã thực hiện phổ thông đấu phiếu bầu cử quốc hội khoá I (6-1-1946) và bẩu cử hội đồng nhân dân, Uỷ ban hành chính các cấp, ngày 26-4-1946, để người dân ở Trung ương và địa phương. Thực hiện chủ trương về việc tổ chức tổng tuyển cử, Mặt trận Việt Minh và chính quyền Trang Liệt tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I. Cuộc vận động chính trị sâu rộng, có tác dụng giáo dục, nâng cao lòng yêu nước và ý thức làm chủ của nhân dân. Ngày 6-01-1046, toàn thể cử tri trong xã đã tham gia đi bầu cử (đạt 98.6%), thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Đây là thực sự là ngày hội lớn của nhân dân Trang Liệt.

Tại trung tâm đình làng, ban bầu cử trang trí bằng cờ, khẩu hiệu trang hoàng lộng lẫy. Lá cờ Tổ quốc và hòm phiếu trang trọng đặt giữa nhà Chuyền Bồng. Chung quanh đình, đền cắm cờ đỏ sao vàng… Khắp các xóm ngõ rực rỡ cờ hoa, băng cờ, khẩu hiệu. Ban thông tin kê khẩu hiệu và phát thanh thường xuyên để nhân dân hiểu biết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội… Đội thiếu niên, nhi đồng đi cổ động hò hát, hô khẩu hiệu vào 17 giờ hàng ngày, trước 10 ngày, để nhân dân hiểu và đi bầu cử. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân lao động được quyền lựa chọn người của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Tổng tuyển cử đã góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh bảo vệ và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân.

Đầu năm 1946, theo chủ trương của Chính phủ về việc điều chỉnh lại đơn vị hành chính, xã Trang Liệt và Bính Hạ hợp nhất thành xã Trang Hạ. Ngày 26-4-1946, xã Trang Hạ tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và theo Sắc lệnh 53 của Chính phủ, Hội đồng nhân dân xã Trang Hạ có 15 đại biểu (Trang Liệt 12, Bính Hạ 3). Uỷ ban hành chính xã có 5 thành viên, là các ông: Nguyễn Tiến Thân làm chủ tịch, Trần Văn Cầu phó chủ tịch; Ngô Hữu Xuất uỷ viên thư ký, Ngô Hữu Âm thủ quỹ và ông Nguyễn Văn Ngân uỷ viên hành chính.

Thành viên chính quyền do nhân dân lựa chọn, đó là các đại biểu xuất sắc, đã hoạt động và thực hiện mọi nhiệm vụ. Nhưng chính quyền non trẻ lần đầu tiên quản lý hành chính và lại mới hợp nhất xã, còn các tổ chức đoàn thể cứu quốc mới hợp nhất nên chưa thể biết và quen việc ngay được, do đó, cần thiết lúc này là củng cố, phân công cán bộ. Đầu năm 1946, một số người thuộc phái hữu có ý định tranh chấp quyền lực, đã đưa người vào Uỷ ban hành chính xã. Còn ông Nguyễn Văn Quảng (Thắng) ở Cẩm Giang, thành lập tổ chức “công nhân” ở Trang Liệt, gồm 10 người, do ông Ngô Hữu Lẫm làm bí thư. Nhưng Mặt trận Việt Minh, bí thư Phan Đình Nguyên, đã vận động quần chúng nhân dân kiên quyết giải tán tổ chức trá hình này.

Ngày 24-5-1946, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập, thu hút tất cả các tầng lớp nhân dân. Hội Liên Việt được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, bằng sự sáp nhập Mặt trận Việt Minh với Liên Việt, mang tên Mặt trận Liên Việt. Tháng 8-1946, Mặt trận Liên Việt xã Trang Hạ được thành lập, tham gia Ban chấp hành có ông Ngô Hữu Âm, hội trưởng và các uỷ viên; ông Ngô Hữu Xuất, bí thư đoàn thanh niên (kiêm thư ký Uỷ ban hành chính xã); bà Phan Thị Châm, hội trưởng hội phụ nữ; cụ Nguyễn Văn Nghĩa, hội trưởng nông dân; cụ Phan Đình Châu, hội trưởng phụ lão; đội thiếu niên nhi đồng do Đồng chí Ngô Kim phụ trách.

Chi bộ Trang Hạ thành lập ngày 15-7-1946, hoạt động đến 5-1949. Trước đó, từ tháng 5-1945 đến tháng 6-1946, ở Trang Liệt cơ sở Đảng không còn vì các đồng chí Nhân, Chấn (chi bộ ghép Trang Liệt – Cẩm Giang) đi công tác thoát ly. Nhưng có sự lãnh đạo từ trên của Đảng và do giác ngộ cách mạng từ thời các đồng chí Nhân, Chấn (1942-1944) nên phong trào cách mạng vẫn sôi nổi. Trang Liệt được xếp loại khá. Mặt trận Việt Minh hoạt động theo đường lối của tổng Bộ Việt Minh, nhưng các đồng chí Lê Chi, Mạnh Can, Thiệu và Hùng Phách là Ban cán sự Đảng Từ Sơn phụ trách khu dân chủ, vẫn luôn chỉ đạo phong trào Trang Hạ, Đồng Kỵ và một số xã khác.

Lúc này, một số đồng chí được tuyên truyền giác ngộ cách mạng, được đồng chí Nhân và Ly, ban cán sự Từ Sơn, giới thiệu và tổ chức kết nạp đảng. Theo quyết định của Tỉnh uỷ Bắc Ninh, chi bộ Đảng ở Trang Hạ được thành lập ngày 15-7-1946. Lúc đầu, tổ chức kết nạp 3 đồng chí, là Phan Đình Nguyên, Lê Tiến Áp, Ngô Hữu Đồng, tại nhà cụ tuần Tri Phủ Lưu, nơi cơ quan Huyện uỷ đóng. Nhưng cả 3 đồng chí đều là đảng viên dự bị nên phải ghép với chi bộ cơ quan Huyện uỷ Từ Sơn, là các đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Tạ Quốc Bảo, Trần Đức Hinh, Nguyễn Văn Thiều (Song Tháp Châu Khê) do đồng chí Nguyễn Việt Dũng làm bí thư.

Ngày 15-01-1947, 3 đồng chí trên được công nhận là đảng viên chính thức, chi bộ riêng được thành lập do đồng chí Phan Đình Nguyên làm bí thư. Chi bộ từ 3 đảng viên, sau phát triển đảng viên mới, rồi đến tháng 5-1949, Trang Hạ hợp nhất với Đồng Kỵ thành xã Đồng Quang, chi bộ Trang Hạ có 2 tổ đảng, tổ Trang Liệt có 40 đảng viên và tổ Bính Hạ có 13 đảng viên. Đầu năm 1948, đồng chí Nguyễn Văn Hán lên huyện uỷ Từ Sơn. Tháng 6-1948, hai đồng chí được điều lên huyện Từ Sơn công tác, là Phan Đình Nguyên, lên Huyện uỷ và Nguyễn Thị Cam (Liên) lên huyện hội phụ nữ. Huyện uỷ quyết định đồng chí Ấp, phó bí thư lên làm bí thư thay đồng chí Nguyên. Tổng số đảng viên lúc này là 50 người.

Sau khi ra đời, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, chi bộ Trang Hạ ra chủ trương, nhiệm vụ như sau:

Về Đảng, chính quyền: Ra sức củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đảng viên, giáo dục chính trị, tư tưởng. Đoàn kết nội bộ, bồi dưỡng lý luận, đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu. Củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, tích cực tăng gia sản xuất, chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, như đóng thuế nông nghiệp, thủ công nghiệp.

Về kinh tế: Tổ chức vận động nhân dân phục hồi và phát triển sản xuất, để ổn định đời sống; ra sức khai hoang phục hoá rừng Sặt, trồng khoai, sắn… để chống đói; chia ruộng công làm nhiều lô nhỏ để người không có ruộng thuê và tạm cấp ruông đất cho người không có ruộng. Mặt khác, thủ tiêu chế độ chiếm hữu ruông đất của chế độ phong kiến1.

1 Theo đó, 10 mẫu ruộng ở Yên Khê xã Yên Thường, Từ Sơn do vua ban tặng cho bà Cống Quận, Uỷ ban hành chính xã trả lại cho Yên Khê (tháng 10-1945).

– Về văn hoá xã hội: Phong trào bình dân học vụ, diệt dốt, chính quyền mở nhiều lớp bình dân học vụ bổ túc văn hoá để thanh toán nạn mù chữ. Các lớp học tại đình Cao, hoặc mượn nhà của những gia đình rộng rãi. Xóm nào cũng có lớp học và học vào các buổi trưa, tối.

– Ban bình dân học vụ có 13 giáo viên, do các ông Ngô Hữu Giá, Vũ Kim San, Nguyễn Thế Đĩnh phụ trách. Phong trào bình dân học vụ lôi cuốn nhiều tầng lớp nhân dân từ các em thiếu nhi, chị em trẻ đến các bà trung niên cũng đi học rất nhiều. Buổi tối dân đem đèn đi học, mỗi buổi học 2 giờ. Khẩu hiệu “Diệt giặc dốt” được dán ửo khắp cổng, đường làng xóm ngõ.

Ban thông tin tuyên truyền kẻ khẩu hiệu ở trường, nơi công cộng, phát thanh tin tức (bằng loa). Công tác thông tin tuyên truyền có nhiệm vụ rất quan trọng là phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng và Chính phủ. Ban thông tin tuyên truyền xã có 4 nhân viên, do ông Ứng làm trưởng ban. Ban còn vận động nhân dân tiết kiệm chi tiêu ăn uống, ma chay, cưới xin, hội hè đình đám, giành tiền gạo ủng hộ kháng chiến. Các tệ nạn xã hội, như cờ bạc, nghiện hút, mê tín dị đoan được phê phán và cương quyết bài trừ. Địa phương thành lập tổ chức y tế chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, vận động bà con thường xuyên vệ sinh làng xóm, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Sang năm 1946, thực dân Phát tăng cường cấu kết với bọn tay sai “Việt quốc Việt cách” âm mưu gây rối, khiêu khích quân đội ta. Vì vậy Chính phủ đã ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946 với Pháp. Ta lợi dụng thời cơ hoà hoãn để củng cố lực lượng, đẩy quân Tưởng về nước, tháng 5-1946, quân Tưởng phải rút đi. Quân đội Pháp đã lợi dụng tình hình đó thay thế quân đội Tưởng. Chúng phá hoại Hiệp định sơ bộ và Tạm ước, lộ rõ âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Từ tháng 8-1946 trở đi, giặc Pháp gây ra những vụ khiêu khích với quân ta ở các tỉnh Hải Phòng, ven thủ đô Hà Nội, nhất là đường số 1A Hà Nội đi Bắc Ninh. Như ngày 1-8-1946, đoàn xe ô tô của quân Pháp từ Gia Lâm đi Bắc Ninh đã bắn chết hai đồng chí Lê Chi và Phan Hạnh tại Duệ Đông, Tiên Du. Ngày 20-11-1946, chúng đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn. Ngày 17-12-1946, chúng tấn công quân ta ở Hà Nội, hai bên chiến đấu quyết liệt, giành dật từng công sở tỏng suốt 2 ngày.

Cuối tháng 12-1946, trước nguy cơ chiến tranh ngày càng đến gần, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể nhân dân Trang Liệt đã gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ý kiến bình luận