Đó là tiểu đội cộng tác viên (CTV) gồm 12 cô bé học THCS đang phụ điều hành một thư viện làng thuộc hàng “top” thư viện làng miền Bắc với hơn 6.400 đầu sách trên một diện tích khoảng 70m2: thư viện thôn Trang Liệt (Đồng Quang, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Yêu sách, thương ông, em làm CTV thư viện
Khi chúng tôi đến là thứ tư – ngày dành riêng cho độc giả thiếu nhi và là ngày trực của bốn bạn Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Phương Anh, Vũ Minh Thúy và Lê Thị Liễu. 13g30 thư viện mở cửa. Bốn cô bé đã có mặt từ trước đó 30 phút… để lau chùi bàn ghế, sắp xếp sách lại cho ngăn nắp.
Đúng giờ, các độc giả nhí ùa vào thư viện đông như đàn ong vỡ tổ. Bốn cô bé tất bật sắp xếp chỗ ngồi cho từng bạn một.
Người bạn đi cùng chúng tôi vô tình đặt chiếc balô lên ghế liền bị nhóm trưởng Vũ Minh Thúy nhắc nhở: “Theo qui định của thư viện, anh không được mang balô vào phòng đọc để rộng chỗ cho các bạn đọc sách”. Khi độc giả nhí đã ổn định trật tự, bốn cô với thẻ CTV trên ngực bắt đầu phát sách cho các bạn. Những bàn tay nhỏ nhắn nắn nót cẩn thận từng chữ ghi tên sách, tên người mượn sách.
“Không phải bạn nào cũng có thể làm CTV mà phải học khá trở lên, đội viên tốt, nhiệt tình và đặc biệt ham mê đọc sách, báo” – Ngô Thị Mai, lớp 8, đội trưởng, cho biết. Ông Ngô Quang Lợi, thủ thư, cho biết đã vào tận trường để tham khảo ý kiến thầy cô giáo chủ nhiệm từng em; quan sát các em đọc sách thì mới có thể chọn được những em vừa ý.
“Chế độ” của các CTV? Bạn Nguyễn Thị Hằng sau khi ký nhận hai quyển sách từ tay độc giả nhí hóm hỉnh: “Có chứ, lương với chúng em là sách, các bạn khác chỉ được mượn về nhà tối đa hai quyển sách còn chúng em được mượn những bốn quyển cơ”.
Mỗi tuần các CTV thư viện này được thủ thư chấm công để cuối năm cô bé nào nhiều điểm sẽ được khen thưởng, tặng quà – chỉ một xấp giấy, cây bút song “thế cũng thích lắm rồi anh ạ”.
Ông Lợi bảo: “Tôi bị còng, đi lại khó khăn, không mang được nhiều sách nên có các em tôi cũng đỡ được phần nào vất vả của công việc”. Nguyễn Thị Thúy rủ rỉ bảo: “Đau ốm thường xuyên nhưng không khi nào ông bỏ thư viện. Thương ông, đỡ đần cho ông được chút công việc là chúng em mừng”.
Thư viện cũng là một lớp học
Chị Phan Thị Luyện (bí thư chi đoàn kiêm tổng phụ trách đội thôn Trang Liệt): “Chi đoàn luôn ghi nhận những việc làm, đóng góp của thư viện và 12 em CTV tình nguyện. Còn bé nhưng các em đã ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách và gìn giữ sách. Đó cũng là một sân chơi, nơi sinh hoạt bổ ích, nhất là vào dịp hè”. |
Độ tuổi trung bình của các CTV hiện nay là 13 tuổi. Ít tuổi nhất trong nhóm là Phương Anh, 11 tuổi, mới được nhận vào vài tuần. CTV mới lại là em út trong đội, song Phương Anh có thể nhớ rành rọt mỗi chuyên mục có bao nhiêu quyển sách, mỗi tờ báo có bao nhiêu số báo ở trong thư viện. Còn đối với Liễu đã một năm kinh nghiệm thì khẳng định chắc nịch: có thể nhớ tên không dưới 2.000 quyển sách.
Dù nói thế song các em cũng vất vả lắm. Thúy bức xúc: “Nhiều khi sách mới nhập về mà các bạn xem xong gạch vào trong sách làm nhàu sách. Có lúc tức quá em mắng nhau với chúng nữa cơ”. Có bạn mượn sách về không trả, thế là các cô bé phải báo “lãnh đạo” là ông Lợi để đọc tên trên loa… Không hiếm lần các em còn kéo nhau đến tận nhà một bạn để… đòi lại sách.
Hè này, tất cả các cô bé được hỏi đều cho biết không đi học hè nhiều bởi thư viện cũng là một lớp học. Mẹ bạn Lê Thị Liễu, chị Phan Thị Hòa, cho biết: “Thấy con ham đọc sách báo tôi cũng mừng; cháu đi thư viện làm tôi rất yên tâm”.
Các cô bé chăm chú khi chúng tôi kể về các thư viện ở Hà Nội, đặc biệt là về Thư viện Quốc gia. Một em bảo: “Giá mà được ra Hà Nội để thăm lăng Bác, tham quan các thư viện lớn ở Hà Nội xem có khác với thư viện làng ở quê mình nhiều không…”. Còn Minh Thúy thì mơ ước: sau này lớn lên sẽ thành lập một thư viện cho… riêng mình để được đọc sách thỏa thích.
Chiều. Thư viện hết giờ mở cửa. Các cô bé lặng lẽ xếp gọn gàng các chồng sách báo lên giá, thu gọn lại bàn ghế bị các độc giả nhí đảo lộn xộn, quét dọn sạch sẽ thư viện rồi mới ra về.
Theo Tuổi Trẻ