Tiền thân nhà truyền thống là ngôi chùa Am gồm 5 gian bằng gỗ lim, do dân chuyển về làm chùa từ năm 1950 và đến ngày 10 – 3 – 1994, chuyển thành nhà truyền thống của làng Trang Liệt.
Đây là nơi tập hợp, giới thiệu những tư liệu được sưu tầm, phản ánh, bảo lưu những truyền thống tốt đẹp của Trang Liệt từ xưa cho đến nay. Nó là mô hình góp phần xây dựng nên văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của một làng quê Trang Liệt “”thuần phong mỹ tục”, ngàn năm văn hiến Kinh Bắc. Đồng thời, nó cũng giáo dục cho các thế hệ mai sau cần phải kế tiếp truyền thống ông cha.
Qua 14 năm xây dựng nhà truyền thống Trang Liệt, ban đầu chỉ có 3 người đi sưu tầm tư liệu là ông Ngô Hữu Xuất, Nguyễn Nam, Nguyễn Như Bân. Do thời gian đã qua lâu, chiến tranh lại liên miên và ác liệt, nên nhiều cán bộ đảng viên từng là nhân chứng lịch sử – cách mạng nhưng cũng không có điều kiện chú ý đến việc giữ gìn tư liệu, nên việc sưu tầm tư liệu rất khó khăn, thu thập được ít. Việc làm nhà truyền thống của làng như hiện nay sẽ là điều kiện tốt để có thể sưu tầm, lưu giữ các hiện vật – tư liệu từ xa xưa mà các cụ và các thế hệ sau này để lại, minh chứng rõ nhất về làng Trang Liệt đậm nét truyền thống từ lịch sử cho đến nay. Với ý nghĩa đó, nhà truyền thống Trang Liệt đang cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền Trang Liệt; của cán bộ hưu trí, đương chức, những người xa quê và nhân dân địa phương tiếp tục hảo tâm ủng hộ các kỷ vật, tư liệu cho nhà truyền thống.
Nhà truyền thống được xây dựng và bố trí gồm 3 mảng.
Mảng 1: Lích sử văn hoá. Có 3 nội dung: A, là gian chính giữa: Thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh; B: gian bên phải trưng bày hiện vật gồm tên tuổi của 8 vị tiến sỹ người Trang Liệt đỗ đạt thời trước, đã được khắc trên bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội và bia trong Văn chỉ của làng và nội dung C: gian bên trái: là văn bia 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và văn bia các liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc.
Mảng 2: Di tích lịch sử cách mạng. Tại đây có một số tư liệu và tranh ảnh từ năm 1936, 1939 đến 1945, phản ánh từ thời kỳ dân chủ đến thời kỳ vận động giải phóng dân tộc, tiến đến cách mạng tháng Tám năm 1945.
Mảng 3: Di tích lịch sử kháng chiến. Gồm có tư liệu tranh ảnh trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) và 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 – 1975)