Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo thuộc về lĩnh vực thiêng liêng của con người. Đó là lòng tin và sự ngưỡng mộ của con ngưới với những lực lượng siêu nhiên… có sức mạnh vô biên và đầy huyền bí có khả năng tác động và chi phối con người nên người ta phải luôn tôn thờ, sùng bái. Tín ngưỡng tôn giáo thực sự là nhu cầu xuất phát từ chiều sâu tâm linh của đại bộ con người từ cấp độ quốc tế, quốc gia cho đến cộng đồng làng xã.
Về tôn giáo, người dân Trang Liệt từ xưa đến nay hầu hết chỉ theo Phật giáo và là Phật giáo dòng Đại Thừa.Đạo Phật đã được truyền nhập vào người dân Trang Liệt từ thế kỷ thứ IX. Đến thế kỷ thứ X, Trang Liệt đã là một trung tâm phật giáo ở vùng Từ Sơn (Đông Ngàn). Làng có 2 ngôi chùa Đông Lai tự và Cổ Am tự và từ xa xưa đến nay đây là nơi diễn ra các lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo. Chùa còn là trung tâm văn hoá của cộng đồng làng xã và là nơi khách thập phương đến lễ Phật. Ngày nay chùa làng vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của dân làng, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của rất nhiều người.
Cổ Am tự, còn gọi là chùa Dưới hay chùa Am, nay chỉ còn như một di tích.Còn Đông Lai tự, một ngôi chùa cổ kính, lại là di tích lịch sử kháng chiến thì nay đang hoạt động và mỗi ngày thêm đẹp, thêm đông.
Về tiết lệ của Chùa như sau:
– Hàng tháng có 2 tiết: Mồng một và rằm âm lịch
– Tiết đầu xuân mống bốn Tết âm lịch.
– Tiết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng): “Lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”. Hôm đó được xem như là ngày hội của toàn dân.
– Tiết Phật đản, 8- 4 âm lịch.
– Hai tiết: vào hè 01 tháng 4 âm lịch. Ra hè 01 tháng 7 âm lịch.
– Tiết lễ Vu Lan, rằm tháng 7 âm lịch – báo hiếu, xá tội vong nhân.
– Tiết mùng 8 tháng Chạp âm lịch, của các cụ vãi, lần lượt dọn nước.
– Tiết cúng tất niên do nhà chùa có trách nhiệm tu lễ.
Ngoài ra có tiết 49 ngày của các cụ vãi đi quy (khi các cụ vãi từ trần).Tiếy này là do nội bộ các cụ vãi tự tu lễ cúng tiến, còn nhà chùa có trách nhiệm cúng bái tụng kinh niệm phật cho linh hồn người quá cố tiêu sinh tịnh độ.
Các tiết lệ của nhà chùa được nhân dân làng và khách thập phương đến lễ rất tôn nghiêm, lại được vãn cảnh chùa ở vùng thôn quê phong cảnh hữu tình, mến khách.
Từ ngày đất nước đổi mới (1986), tín ngưỡng, tôn giáo chân chính cũng được mở mang, đóng góp ngày càng nhiều những giá trị tích cực cho xã hội, đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Đạo đức tôn giáo co nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội” và đòi hỏi phải “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp, lành mạnh của tôn giáo”. Theo đó, chùa Đông Lai thời gian qua đã được nhân dân tu bổ, trùng tu nhà Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu nên ngày càng uy nghi, rộng rãi và khang trang. Nơi thời Phật luôn sầm uất, tôn nghiêm được nhân dân trong làng, xã và khách thập phương thường xuyên đến lễ bãi, cầu trời, khấn Phật cho quốc thái, dân an và được thanh thản tinh thần nơi cửa Phật. Nếu ở thập kỷ 80 chỉ có 40 đến 50 cụ vãi, thì nay có tới 240 cụ. Các cụ xưa nói: “Sư với vãi như vải với nâu”, “Trẻ vui nhà, già vui chùa” quả là rất đúng.
Về tín ngưỡng, thờ trần Thành hoàng, là nét tín ngưỡng tiêu biểu của dân làng Trang Liệt.Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt là hoàng tử con Thượng Hoàng Trần Thừa và có công lớn trong trận chiến chống quân Nguyên. Sau khi ông mất, được triều đình phong kiến sắc phong và dân làng Trang Liệt thờ làm Thành Hoàng làng. Đền còn phối thờ Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải.
Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt sinh ngày 8 – 3 âm lịch hoá nhật ngày 15 – 8 âm lịch và đây cũng chính là 2 kỳ Đại phúc và Tiểu phúc, hàng năm là ngày hội lệ của làng. Mở đầu ngày hội, mồng 8- 3 ÂL, là các nghi lễ tế thần, rước long bài của Đức thánh (thành hoàng) từ đền về đình. Năm vào mở đại hội thì rước kiệu, gồm 2 kiệu và long đình của đức Thánh Mẫu và đức thánh Trần từ đền về đình thờ trong các ngày hội. Đến ngày 13 – 3 dã đám, lại rước ngài từ đình về đền an vị, đợi mùa hội năm sau. Hội có 2 phần: lễ và hội.
Phần lễ: Do hai quan đám nhất – nhì và ban trưởng cả chỉ đạo. Trong các ngày hội, mọi việc lễ bái ra sao do ban trưởng cả đảm đương, được quyền bố trí, phân công điều hành các ban chạ, bàn ba, bàn tư, bàn bẩy… phù hợp với các vai, các việc cụ thể trong đám rước.Ban này quản lý, tổ chức mọi công việc tiết lệ chu niên (cả năm) cho dân làng.
Phần hội: Do các phường hội đăng cai tổ chức. Có nhiều phường gắn với nhiệm vụ cụ thể như: phường hát, tổ chức hát tuồng cổ, chèo, quan họ, ca trù; phường vật tổ chức thi vật; phường cờ tổ chức thi đánh cờ; phường gà thi đấu kê, tổ tôm điếm… và nhiều trò chơi dân gian khác; phường bông tổ chức đốt pháo hoa, cây bông tối cuối cùng. Năm mở đại hội mới có tổ tôm điếm…
Từ sau cách mạng Tháng tám năm 1945, hội làng không kéo dài như trước mà rút xuống còn 2, 3 ngày, từ mồng 8 đến 10 – 3 ÂL. Chỉ năm chẵn mới tổ chức rước Đức Thánh về đình thờ 3 ngày. Ngoài ra, tổ chức trò chơi truyền thống đơn giản hơn.Hiện nay không có quan đám nữa.
Lệ làng quy định, đàn ông trong độ tuổi 49 là thuộc ban khánh tiết, có nhiệm vụ chủ chốt trong việc tổ chức lễ hội truyền thống và cùng cụ thủ từ quản lý, tổ chức lễ bái chu niên (trong một năm) cho dân. Cũng trong năm đó, ban khánh tiết còn chịu trách nhiệm trông nom tu sửa đình, đền thường xuyên, như thay gỗ nơi mối mọt,hoặc xây chat, đảo ngói, nghĩa là đình, đền hư đâu sửa đấy, nếu xuống cấp nặng thì trùng tu hoặc đại tu. Ban khánh tiết có trưởng ban và phó ban điều hành.
Hội làng truyền thống hàng năm của làng Trang Liệt trước đây được mở từ ngày mồng 8 đến ngày 13 tháng 3 âm lịch. Hội làng mở vào ngày sinh đức Thành hoàng để tưởng nhớ công ơn của Ngài đã giúp dân tạo dựng xóm làng. Mở hội vào đám là việc tổ chức tế lễ tại đền, được gọi là hội lệ. Lễ rước Thành Hoàng về đình thờ 3 – 5 ngày trong bầu không khí thiêng liêng thành kính. Mở hội làm lễ tạ ơn thần thánh, kính cáo về thành quả lao động sản xuất qua một năm và cầu xin thần thánh phù hộ cho dân làng năm tới nhân khanh vật thịnh, mùa màng tốt tươi. Đó cũng chính là dịp dân làng nghi ngơi sau khi lao động mệt nhọc và để những người xa quê đâu đâu cũng nhớ, cũng về hội làng.
Ở đình có Thờ tổ nghề lọc đồng, nghề buôn nồi đồng, do cụ chum quản lý, sớm tối đèn nhang. Hàng năm có 2 tiết xuân thu nhị kỳ, vào ngày 11/2 âm lịch và ngày 18/8 âm lịch, có hội tư văn tổ chức tế lễ (phường vách những hội viên buôn nồi đồng)
Thờ thần nông nghiệp tại nhà Đòn cũ. Người dân Trang Liệt thờ thần nông nghiệp với mong muốn để thần phù hộ độ trì cho người nông dân trồng lúa nước được phong đăng hoà cốc, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu và tránh được thiên tai, trừ được sâu bệnh.
Thờ thần văn học tại Từ chỉ của làng, hay nhà văn chỉ, là hình ảnh thu nhỏ của văn miếu, là nơi thờ thần văn học, thờ Đức Khổng Tử và các vị danh nho, khoa bảng, như 8 cụ nghè. Xuân thu nhị kỳ, vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch, chọn ngày Đinh đầu tháng, hội tư văn tổ chức tế lễ ở đây. Khu văn chỉ xưa có 3 gian bái đường, 3 gian nhà tiền tế và 3 gian nhà giải muống. Thời nay đã chuyển 3 gian nhà bái đường về khu nhà truyền thống để thờ Đức Khổng Tử và các cụ tiên triết như cũ.
Tục thờ cúng tổ tiên ở Trang Liệt rất phổ biến, sầm uất gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên đặt ở giữa gian nhà, nơi trang trọng nhất, có đồ thờ, hoành phi câu đối…Đó là sự biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhiều gia đình đã lập gia phả ghi chép cẩn thận các ngày giỗ ông bà cha mẹ để con cháu đời này sang đời khác cúng bái. Thờ cúng tổ tiên còn là thờ cúng các vị đã lập nên các dòng họ. Ở Trang Liệt có nhiều dòng họ đông xuất đinh có nhà thờ khá lớn. Dòng họ có phả đồ, phả tộc ghi chép ngày giỗ tổ, ngày tết, cúng sóc vọng (mùng 1 và ngày rằm) đã trở thành nề nếp của mỗi dòng họ để con cháu đời đời nhớ ơn tổ tiên, đồng thời xum họp quây quần bên nhau, góp phần củng cố mối quan hệ thân tộc, tôn ty trật tự, cành trên, cành dưới, ai là nội tộc, ai là bên nội, bên ngoại xa gần… Điều đó thể hiện tinh thần “giữ gìn và phát huy, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân” mà Đảng ta đã chỉ ra như một yêu cầu cần thiết hiện nay.
Ngoài ra, ở mỗi ngõ xóm còn có các ngôi miếu thờ các vị thần khác nữa. Cho đến nay dân làng vẫn bảo tồn và vẫn tới thắp hương cúng lễ khi có việc quan trọng của gia đình.
Ngày nay, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo là không thể thiều của đông đảo người dân và được tự do. Chỉ có điều, sinh hoạt đó phải đảm bảo đúng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước, cũng như đúng quy định của quy ước làng, để sao cho mặt tốt được phát huy, mặt tiêu cực được hạn chế, nhất là đối với những tệ nạn mê tín dị đoan.d