Hương ước là một văn bản pháp lý, gắn với trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình, dòng tộc, làng xóm được quy định từ thời phong kiến nhưng qua thời gian nhiều bản hương ước làng đã bị mai một, thất truyền, không phù hợp với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên ở một khu phố nhỏ mang tên Trang Liệt thuộc phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tinh thần của bản hương ước làng đã được gìn giữ hàng trăm năm qua và liên tục được các thế hệ con cháu “cập nhật” thay đổi sao cho phù hợp với tình hình mới.
|
Ông Ngô Hữu Xuất đọc lại những quy định
trong bản hương ước cho con cháu trong làng
Để không hổ thẹn là địa phương đầu tiên trong cả nước được đón nhận danh hiệu làng Văn hóa, suốt từ năm 1987 đến nay, làng Trang Liệt vẫn vẹn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống. Bây giờ, đến ngõ xóm nào của khu phố Trang Liệt cũng dễ bắt gặp những con đường mới do người dân tự góp tiền và ngày công xây dựng. Từng hộ dân cũng tự giác dọn dẹp vệ sinh, giữ sạch phần đường ở ven nhà mình. Những việc làm này đã được làm từ cách đây hàng chục năm. Và mọi chuyện đều được khởi nguồn từ quy định của một bản hương ước.
Ông Ngô Hữu Xuất, một bậc cao niên của làng chỉ cho chúng tôi bản hương ước đầu tiên của làng Trang Liệt từ năm Tự Đức nguyên niên Mậu Thân (1848), với tên gọi: “Trang Liệt hương ước”. Ông cho biết: ” Dựa vào bản Hương ước, người dân có thể kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, nhờ đó mà đời sống của người dân đã dần ổn định, tạo tính cộng đồng đoàn kết cao trong làng, trong xóm.”
Đã có một thời nhiều nét văn hóa truyền thống của Trang Liệt bị mai một vì sự vắng bóng của hương ước làng. Lúc đó, những người con tâm huyết với Trang Liệt đã cùng ngồi lại và soạn ra một bản hương ước mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện tại. Ông Nguyễn Thế Sập – một trong những người tham gia soạn thảo bản hương ước làng mới cho biết: “Khi soạn thảo hương ước, chúng tôi tiến hành họp dân. Bản hương ước này gồm 6 chương và 63 điều, quy định về những điều mà dân làng được làm, không được làm và nên làm trong cuộc sống hàng ngày. Nội dung của bản hương ước vẫn kế thừa những “lệ làng” tốt đẹp xưa, ví như: gìn giữ đạo lý gia đình; vận động dân làng tự nguyện xây dựng quê hương; coi trọng người đỗ đạt… Bên cạnh đó, Hương ước mới cũng đã xóa bỏ nhiều hủ tục, như: trọng nam khinh nữ, hiếu hỷ linh đình, tốn kém.
Bản hương ước của làng giờ đây là bản hương ước của khu phố được coi như một bản hiến pháp thu nhỏ, một quy định bất thành văn nhằm quản lý những thành viên trong làng, trong xóm sống cho đúng lễ nghĩa, gia phong. “Hơn 15 năm, kể từ khi bản hương ước mới được soạn thảo đã giúp cho địa phương gìn giữ nếp sống “Mỹ tục khả phong” của dân làng và giờ đây, nó còn giúp dân làng xây dựng cuộc sống mới. Bên cạnh hương ước làng, nhiều dòng họ còn có phả tộc, gia đình có gia phả để giữ gìn gia phong, lưu truyền cho hậu thế” ông Ngô Hữu Xuất khẳng định.
Với Trang Liệt, bản hương ước chính là “lệ làng, phép nước”. Cũng chính vì có bản hương ước này mà thuần phong mỹ tục được bảo lưu, người dân luôn hướng tới điều thiện, quan hệ xóm làng đoàn kết, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, trật tự an ninh được đảm bảo. Trong họ, trong gia đình, mọi người luôn giữ được hòa khí, kính trên nhường dưới…
Trong bản hương ước làng cũng đã có những điều khoản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, an ninh trật tự tại địa phương. Trong đó ghi rõ: An ninh chính trị thôn, xóm phải luôn được đảm bảo, nếu ai là người làng phạm vào trộm cắp, ăn cướp… sẽ bị làng xuất ngôi trừ ngoại, sẽ bị đuổi khỏi làng. Bản hương ước cũng luôn nhắc nhở con cháu, những người làm ăn xa quê phải luôn hướng về quê hương, nguồn cội.
Câu chuyện xây dựng đời sống mới bằng hương ước làng của khu phố Trang Liệt là một minh chứng về truyền thống cố kết cộng đồng dân cư, một trong những cơ sở quan trọng để người dân Trang Liệt gìn giữ nét văn hóa truyền thống, đồng thời tạo đà cho những bước phát triển vững chắc trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
Nhã Phương
(Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=0&chitiet=49322&Style=1)
|
Ý kiến bình luận