Trang chủ GÓC NHÌN GÓC NHÌN TỪ CÁC BÁO Về nơi đầu tiên xây dựng làng văn hóa (13/01/2012)

Về nơi đầu tiên xây dựng làng văn hóa (13/01/2012)

Khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi giữa một khu phố sôi động, tấp nập kẻ bán, người mua mà những lề lối gia phong, nét đẹp trong văn hóa giao tiếp vẫn được người dân gìn giữ nguyên vẹn. Trang Liệt hôm nay xứng đáng với truyền thống là nơi khởi nguồn phong trào xây dựng làng văn hóa.

Cổng đình Trang Liệt khang trang, bề thế

Dựng làng bằng hương ước

Qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhiều hương ước làng đã bị lãng quên nhưng với sức sống mãnh liệt, hương ước làng đã quay trở lại cuộc sống đời thường với một sắc thái mới, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Là một trong những gia đình có nhiều đời gắn bó với Trang Liệt, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Nhờ có bản hương ước mà những luật tục, nét đẹp truyền thống của làng được gìn giữ, phát huy khá nguyên vẹn. Bản hương ước đã chắt lọc những yếu tố mang tính lịch sử kết hợp với hoàn cảnh hiện tại và có sự bổ sung, thay thế những quy định không còn phù hợp. Dựa vào hương ước, người dân có thể kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, tạo tính cộng đồng, đoàn kết, gắn bó hơn. Ông Hùng nhấn mạnh: Trong hương ước của làng có ghi rõ quy định đối với những con em đi làm ăn xa, nên dù có trải qua mấy đời đi nữa thì con cháu họ vẫn một lòng hướng về nguồn cội, về nơi chôn nhau, cắt rốn. Ngay cả khi gần đất, xa trời thì điều mong mỏi nhất đối với những người xa quê vẫn là được chôn cất tại mảnh đất quê nhà, được hòa mình vào lòng đất mẹ quê hương.
Từ xưa đến nay, nhiều làng, xã đều có hương ước để giữ gìn phong tục, truyền thống của tổ tiên. Bệnh cạnh đó, nhiều dòng họ còn có phả tộc họ, gia đình có gia phả để giữ gìn nề nếp gia phong, lưu truyền cho hậu thế. Nhiều thế kỷ đã qua, cũng như bao làng quê ở vùng Bắc Bộ Việt Nam, làng Trang Liệt được bao bọc bởi luỹ tre làng và thông ra bên ngoài theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Cụ Nguyễn Thế Sập, một trong những bậc cao niên trong làng cho biết: Làng Trang Liệt nằm trên mảnh đất phong quang “sông núi bao quanh, sơn thủy hữu tình” gần nơi đô thị, thị tứ, thị trấn… nên việc giao lưu buôn bán, đường xá giao thông đi lại khá thuận tiện. Làng có hình tròn bán nguyệt, diện tích dân cư là 57 mẫu, nằm sát khu rừng Sặt hình con ” hổ, rồng ôm bọc” nên dân gian vẫn gọi làng Trang Liệt là bọc trứng rồng.

Khởi nguồn xây dựng làng văn hóa
Là nơi khởi nguồn phong trào xây dựng làng văn hóa đầu tiên trong cả nước, làng Trang Liệt hội đủ những yếu tố cần thiết cả về hạ tầng cơ sở cũng như kiến trúc thượng tầng để xây dựng thành công khu dân cư văn hóa mang tầm quốc gia.

Đi trên những con đường dẫn vào khu phố Trang Liệt sẽ cảm nhận được nhịp sống rộn ràng, sôi động của một làng quê văn hiến. Từ đây, phong trào xây dựng Làng văn hoá đã lan rộng ra khắp cả nước, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc, truyền thống của người dân đất Kinh Bắc. Ông Nguyễn Thế Hiểu, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Trang Hạ cho biết: Làng cổ Trang Liệt tính đến nay đã hơn 700 năm tuổi, qua các triều đại phong kiến, làng được phong tặng 21 sắc phong và 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong”. Năm 1987, ty Văn hoá – Thông tin Hà Bắc đã chỉ đạo làng Trang Liệt xây dựng điểm Làng văn hoá. Lật giở lịch sử của hơn 20 năm về trước, ông Nguyễn Thế Hiểu cho biết thêm: Khi đó, do đời sống kinh tế của người dân tương đối ổn định, địa phương có điều kiện tập trung phát triển văn hoá. Ngay trong năm đầu tiên, với tư cách là địa phương đi đầu trong xây dựng làng văn hoá, Trang Liệt không chỉ được công nhận danh hiệu Làng văn hoá mà còn vinh dự được chọn làm điểm để các địa phương khác trong huyện, rồi tỉnh làm theo. Từ thành công của Trang Liệt, năm 1991, Bộ Văn hoá – Thông tin cũ (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND tỉnh Hà Bắc tổ chức Hội nghị phát động phong trào xây dựng Quy ước Làng văn hoá theo mô hình của Trang Liệt, với sự tham gia của 14 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Hơn 20 năm đã trôi qua, phong trào xây dựng Làng văn hoá từ Trang Liệt đã lan toả khắp các địa phương trong cả nước, trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các khu dân cư.

Trong tâm thức của nhiều người trong làng, Trang Liệt hôm nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Vẫn đó một Trang Liệt đậm đà bản sắc, song đã khang trang hơn rất nhiều bởi nơi đây luôn hiện hữu sức mạnh của tình đoàn kết. CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” mà trọng tâm là xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hóa đã được địa phương hưởng ứng tích cực, không phải bằng hô hào khẩu hiệu suông mà có tính thực tế cao, tạo nên hiệu quả tích cực làm thay đổi cuộc sống của đông đảo người dân nơi đây. Đến nay, tại Trang Liệt đã có 463/726 thôn, làng, khu phố đạt danh hiệu văn hoá, 214.811/ 252.798 hộ đăng ký gia đình văn hoá.

Nguyễn Phượng
(Báo Đại Đoàn Kết)
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1371&chitiet=45038&Style=1
Ý kiến bình luận