Thư viện Trang Liệt được xây dựng trên cơ sở từ nhà văn hoá của làng, nhằm mục đích nâng cao dân trí, đời sống tinh thần cho toàn dân và đã thực sự trở thành trung tâm văn hoá, học tập thường xuyên của cộng đồng làng xã.
Được thành lập ngày 21/12/1961, trên cơ sở từ nhà văn hóa của làng chuyển thành, Thư viện Trang Liệt có mục đích góp phần nâng cao dân trí, đời sống tinh thần cho toàn dân và đã thực sự trở thành trung tâm văn hóa, học tập thường xuyên của cộng đồng làng xã. Có thể nói, thư viện là trường học thứ hai sau trường phổ thông cho thanh thiếu niên, học sinh lui tới đọc sách báo, tin tức trong nước và thế giới, từ đó được mở mang nhận thức. Sách báo của thư viện đã góp phần tích cực vào việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân, nâng cao được tình cảm cách mạng và ý thức trách nhiệm với cuộc sống hàng ngày, đối nhân xử thế với mọi người. Lênin đã từng nói :” Có đọc sách báo chí thì mới có tri thức”. Còn Bác Hồ dạy :” Có trí thức cách mạng thì mới có chủ nghĩa xã hội”.
Phong trào đọc sách báo ở Trang Liệt đã có từ trước cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những năm 1942 đến 1944, đồng chí Ngô Hữu Tuyết đã đem sách báo cách mạng như tờ Tin tức, Thời mới, Người cùng khổ, về tuyên truyền cách mạng cho thanh niên Trang Liệt và đã tổ chức một nhóm 5 người đọc sách báo cách mạng. Sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, kế tiếp tủ sách bình dân của Mặt trận Việt Minh, để thanh niên đọc sách báo cách mạng, tờ báo “Đuốc Thôn Trang” ra mắt và đặt tại nhà cụ Phan Đình Nguyên. Phong trào đọc sách báo cách mạng ở Trang Liệt vẫn được phát huy là tiền thân của Thư viện Trang Liệt ngày nay.
Nhận thức được tầm quan trong của nhà thư viện, ngay từ khi ra đời, Thư viện Trang Liệt được lãnh đạo và nhân dân Trang Liệt quan tâm đầu tư, củng cố, do đó hoạt động ngày càng nhộn nhịp và hiệu quả, tạo ra phong trào đọc và làm theo sách báo rất sôi nổi.
Năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, đến năm 1971 lại gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt, song được sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chi bộ và ban quản trị hợp tác xã quan tâm, thư viện đã được đầu tư tài chính xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi, bàn ghế, đồ dùng cho phòng đọc. Đồng thời cán bộ thư viện cũng rất năng động, biết dựa vào dân ủng hộ về tài chính, sách báo… Thư viện phát động cuộc ủng hộ sách báo thường xuyên và lâu dài, nhất là vận động các cán bộ, công nhân viên chức và người dân xa quê ủng hộ. Thư viện ngày càng phát triển, đi vào nề nếp, hoạt động liên tục, quy định cụ thể thứ, ngày, giờ đọc sách báo cho người lớn và các em học sinh. Thư viện đã tạo ra phong trào đọc và làm theo sách, đưa khoa học kỹ thuật, giống mới, cây trồng, chăn nuôi, ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa năng suất ngày càng tăng. Đến năm 1972, thư viện đã có trên 2.100 cuốn sách các loại; 6 loại sách báo, tạp chí khoa học đời sống, khoa học kỹ thuật nông nghiệp…
Qua 10 năm hoạt động, thư viện đã được công nhận là đơn vị lá cờ đầu về thư viện nông thôn của tỉnh Hà Bắc; 2 lần được tặng thưởng: Huân chương lao động hạng ba, ngày 23/12/1976 và Huân chương là động hạng Hai năm 1983. Đầu năm 1987, Trang Liệt là “Điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hóa, cơ sở phát triển toàn diện”. Ngày 18/01/1988, Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Cụm di tích văn hóa Đình – Đền Trang Liệt. Có được những thành tích đó, bên cạnh vai trò của Đảng, chính quyền, và các đoàn thể nhân dân thì hoạt động của thư viện Trang Liệt có một ý nghĩa nòng cốt.
Làng Trang Liệt được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa cấp tỉnh” trong suốt 13 năm liền (1987 – 2000) và được Bộ Văn hóa Thông tin phát động các địa phương cả nước học tập. Cho đến nay, Trang Liệt đã đón tiếp 12 đoàn khách quốc tế, Trung ương và gần 100 lượt đoàn khách của các địa phương về thăm quan, trao đổi kinh nghiệm “mô hình làng văn hóa đổi mới”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin cũng đã về thăm và cổ vũ, động viên làng văn hóa và thư viện. Đầu năm 1993, cán bộ phụ trách thư viện được đi báo cáo điển hình ở Hội nghị thư viện nông thôn của tỉnh Hà Bắc.
Cuối năm 1993, bà Tô-ni-rốt, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á và các chuyên viên của Vụ thư viện quốc gia về thăm và khảo sát tình hình, đã đánh giá cao về những hoạt động có hiệu quả của thư viện Trang Liệt. Ban điều hành CLARC Trung ương đã giao chương trình này cho làng Trang Liệt để xây dựng thư viện trở thành trung tâm học tập thường xuyên của nguồn nhân lực cộng đồng làng xã; được hỗ trợ thêm về vật chất như các loại sách, bàn ghế, quạt điện và dụng cụ khác để phục vụ bạn đọc, trị giá 11 triệu đồng.
Năm 1994, hợp tác xã nông nghiệp Trang Hạ tách ra thành 2, thư viện Trang Hạ trở lại tên cũ: Thư viện Trang Liệt.
Sau nhiều năm hoạt động liên tục có hiệu quả, thư viện Trang Liệt đã góp phần xứng đáng vào thành tích xây dựng Làng văn hóa Trang Liệt. Ngày 18/8/1997, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký Quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho cán bộ và nhân dân làng văn hóa Trang Liệt. Tháng 10-2001, Thư viện Trang Liệt vinh dự trở thành “Thư viện cơ sở tiên tiến tiêu biểu” của tỉnh Bắc Ninh, được tham dự Hội nghị Tổng kết hệ thống thư viện công toàn quốc tại Hà nội và được Bộ văn hóa Thông tin tặng bằng khen. Tháng 4 năm 2004, thư viện chuyển ra tầng 2, khu trung tâm văn hóa làng, rộng rãi và sạch đẹp, khang trang hơn trước; phòng đọc và kho giá sách đầy đủ, thoáng mát đủ ánh sáng, quạt trần, bàn ghế… cùng lúc phục vụ cho 40 người đọc. Đến nay, 2010, thư viện có 21 tờ báo, táp chí và 10 ngàn đầu sách đủ các loại.
Trong 46 năm qua, Thư viện Trang Liệt đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm là hoạt động bằng nhiều hình thức phong phú, từng bước nâng cao chất lượng phong trào đọc và làm theo sách báo, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị. Thư viện đã góp phần cùng nhà trường phổ thông Trang Liệt giáo dục nhân cách đạo đức, ý thức cộng đồng nâng cao học vấn, khoa học cho người dân Trang Liệt dưới chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thư viện Trang Liệt trở thành lá cờ đầu thư viện cơ sở của tỉnh Bắc Ninh hiện nay là rất xứng đáng.
Trải qua 46 năm liên tục hoạt động, thư viện đã có 6 thủ thư rất nhiệt tình, có trách nhiệm cao, say sưa vì phong trào đọc sách báo của toàn dân Trang Liệt. các vị đó là:
- Cụ Phan Xuân Bảng (1891-1973), phụ trách thư viện từ tháng 8/1959 đến 8/1965, vào thời gian đầu phục hồi tủ sách bình dân cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hàng ngày 2 buổi sáng chiều, cụ cắp cặp sách báo đến thư viện để dân làng đọc.
- Cụ Phan Đình Nguyên (1908-1994), giáo viên nghỉ hưu, phụ trách thư viện từ tháng 9/1965 đến tháng 7/1969. Thời kỳ này, không quân Mỹ ném bom ác liệt ở Trang Liệt, phá hoại nhiều nhà cửa, giết hại một số người, vì vậy để an toàn, địa phương đã chuyển trường học, thư viện ra ngoài làng, ở chùa Trên, bãi công Cửi. Phòng đọc sách được dựng 1 gian, 2 trái tại gốc muỗm Bãi Bì. Hàng ngày, cụ Nguyên từ 8h sáng đã đem sách báo cho nhân dân và các em học sinh đọc, tới 18h mới nghỉ, chính xác, đều đặn như chiếc đồng hồ vậy.
- Cụ Ngô Hữu Cương (1918-1986), phụ trách thư viện từ tháng 8/1969 đến năm 1971. Sau trận lụt năm 1971 cụ Cương mới xin nghỉ.
- Ông Ngô Hữu Giá (1925-1996), phụ trách thư viện từ năm 1972 đến 1990. Đây là thời kỳ Thư viện Trang Liệt rất phát triển. Ông thường xuyên bổ sung sách báo mới, đủ các loại cho thư viện, thu hút được đông người đọc, nhất là các em học sinh Trường phổ thông cơ sở rất nhiệt tình đọc sách báo. Thời kỳ này, được cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân quan tâm chỉ đạo, được dân làng ủng hộ nên nhà nước đã ghi nhận thành tích xuất sắc của thư việ và với sự tận tụy của ông, Nhà nước đã 2 lần tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho thư viện (năm 1976 và 1982). Riêng ông Ngô Hữu Giá, năm 1983, với thành tích phụ trách thư viện trong suốt 18 năm, đã vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng Ba. Phần thưởng này là do thành tích chung của Thư viện Trang Liệt và cũng là thành tích xuất sắc của ông Giá.
- Ông Phan Ngọc Trí, sinh năm 1953, phụ trách thư viện trong 2 năm, từ tháng 12 năm 1991 đến tháng 12 năm 1993, sau đó ông chuyển công tác khác.
- Ông Ngô Hữu Lợi, sinh năm 1953, làm Chủ nhiệm thư viện từ tháng 01/1994 cho đến nay. Ông là người Chủ nhiệm cần cù, chịu khó và rất nhiệt tình hoạt động, có nhiều kinh nghiệm công tác. Ông tổ chức số cộng tác viên, gồm 12 em học sinh để giúp đỡ trong việc quản lý sách báo… và đề ra phương hướng nhiệm vụ, biện pháp hoạt động cụ thể của thư viện. Trong khi cả nước đang thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nên phương hướng hoạt động của thư viện là phải xã hội hóa và đó là phương hướng đúng đẵn. Theo đó, thư viện tích cực phục vụ nhân dân, nâng cao dân trí nhằm phát triển không ngừng mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa đến xã hội.