Năm 1989, sau điển hình Làng văn hoá ở Trang Liệt (phường Bính Hạ), phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá đã lan rộng trong toàn tỉnh và trở thành phong trào thi đua sôi nổi của cả nước. Nhiều năm liên tục Từ Sơn vẫn là một trong những điển hình của công tác xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quyết, kinh tế phát triển với tốc độ nhanh cũng kéo theo nhiều hệ quả. Chỉ đơn giản là khi đời sống vật chất được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ của người dân cũng nâng lên một bước, và từ việc nảy sinh các dịch vụ văn hoá là một trong những nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội. Đây cũng được coi là đặc trưng của một địa phương có kinh tế phát triển như thị xã Từ Sơn, vừa thuận lợi vừa khó khăn.
Trên cơ sở những đặc điểm ấy, trong quá trình triển khai thực hiện hàng năm, các nội dung tiêu chuẩn luôn được xem xét, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu tình hình cụ thể của địa phương và cũng để đánh giá thực chất kết quả danh hiệu gia đình văn hoá, làng văn hoá được đề nghị công nhận. Định kỳ, BCĐ Thị xã (trước đây là huyện Từ Sơn) xây dựng kế hoạch chỉ đạo BCĐ các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá kết quả công tác, tìm ra những tồn tại trong quá trình thực hiện để có hướng khắc phục. Cuối năm, vào dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, các xã, phường tổ chức bình xét các danh hiệu văn hoá.
Kinh nghiệm 20 năm xây dựng làng văn hoá của thị xã Từ Sơn cho thấy, bên cạnh việc tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn để triển khai cụ thể những nội dung mới của phong trào đến BCĐ cấp xã, phường; công tác chỉ đạo kiện toàn BCĐ, thành lập Ban vận động góp phần quan trọng để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu. Hàng năm, BCĐ các xã, phường mở hội nghị định kỳ hàng quý với Ban vận động thôn làng, khu phố để tổ chức thực hiện các nội dung của phong trào tại cơ sở, lắng nghe những khó khăn, kiến nghị, đề xuất để có hướng giải quyết. Vì vậy, việc duy trì thúc đẩy phong trào tại cơ sở được quan tâm thường xuyên, liên tục, nâng cao chất lượng các danh hiệu thi đua bằng việc thực hiện quy trình bình xét chặt chẽ, dân chủ.
Từ các gia đình, nếp sống văn hoá được thực hiện nghiêm túc và đã trở thành một nét văn hoá sinh hoạt không thể thiếu. Có thể nói, điểm nổi bật của gia đình văn hoá ở thị xã Từ Sơn là luôn đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của nhà nước và quy ước của cộng đồng dân cư. Thông qua các mô hình tổ hoà giải, tổ liên gia, các gia đình ngày càng mật thiết với nhau, tương trợ và chia sẻ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, đời sống của nhiều hộ được nâng lên rõ rệt, tình cảm xóm làng bền chặt hơn.
20 năm xây dựng làng văn hoá, trên cơ sở thực hiện 5 nội dung chủ yếu của phong trào, thị xã Từ Sơn đã được ghi nhận với những con số ấn tượng như: tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 1,86%; 100% số hộ gia đình có nhà ngói hoặc nhà bền vững; 100% người dân được tiếp cận với phương tiện nghe nhìn; bình quân 31 máy điện thoại cố định/100 dân; toàn Thị xã có 67 CLB, đội văn nghệ; tỷ lệ người tập thể dục thường xuyên đạt 27%, hộ gia đình tập thể dục thường xuyên đạt 17%; hơn 100 điểm tập bóng bàn, cầu lông và dưỡng sinh; trên 90% số hộ gia đình đã được sử dụng nước sạch, nước giếng khoan hợp vệ sinh; 56 nhà văn hoá xã, phường, thôn, làng phát huy vai trò trong đó có 28 nhà văn hoá thôn mới được xây dựng với kinh phí đầu tư từ 250 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng. Nếp sống văn minh theo tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị được triển khai có hiệu quả…
Khởi đầu từ làng văn hoá Trang Liệt (1989), đến năm 2008, thị xã Từ Sơn có 35/68 thôn, làng, khu phố đạt danh hiệu văn hoá. Song, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng cũng đã mang đến cho thị xã Từ Sơn nhiều lo ngại, tệ cờ bạc, số đề, ma tuý đã có ở 12/12 xã, phường, gây ảnh hưởng xấu đến những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, đạo đức con người, và cũng là nguyên nhân khiến nhiều làng không đạt được danh hiệu văn hoá hàng năm.
Trong quá trình xây dựng làng văn hoá 20 năm qua, thị xã Từ Sơn rút ra được khá nhiều bài học, và để phong trào đi vào đời sống, được người dân ủng hộ và thực hiện hiệu quả cần thiết phải có: Vai trò của công tác tuyên truyền nhằm tạo bầu không khí sôi nổi thi đua từ mọi người, mọi nhà, ở địa phương này, nội dung công tác xây dựng làng văn hoá, 5 tiêu chuẩn làng văn hoá, các tiêu chuẩn gia đình văn hoá được in và phát hành đến từng hộ gia đình; việc ký cam kết với Ban vận động được thực hiện nghiêm túc. Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, chính quyền với công tác xây dựng làng văn hoá, cũng như sự phối hợp thường xuyên của các ngành đoàn thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở, những cán bộ văn hoá tâm huyết với phong trào xây dựng làng văn hoá…