Trang Liệt có truyền thống hiếu học. Vì vậy nhân dân ta cũng có truyền thống “tôn trọng trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, vốn là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Phương ngôn xưa:
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
Muốn sang thì bắt cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.
Không thầy đố mày làm nên.
Hội đồng môn là hội của những thế hệ học trò khác nhau nhưng cùng một thầy đồ. Sau khi các thầy đồ mất, học trò nhớ đến công ơn thầy dạy dỗ và giáo dục, họ đã theo truyền thống đạo Khổng, tổ chức lập hội đồng môn, cứ người đứng đầu môn sinh là trưởng tràng. Nhân các ngày tết, ngày hội, ngày vui buồn của thày đồ, môn sinh tổ chức nhau đến thăm hỏi, biếu quà, làm tăng thêm niềm vui, vơi đi nỗi buồn của thầy và gia đình thầy. Trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, môn sinh có thể giúp cả sức lực và tiền của nữa. Vì thế phần lớn các môn sinh đã xây dựng quỹ, xưa kia các cụ mua ruộng cho thuê lấy hoa lợi để chi tiêu, đến ngày giỗ, ngày tết cúng thầy. Vì có ruộng nên các con trưởng được thừa kế (gọi là thế môn sinh), biểu thị tấm lòng tôn sự trọng đạo của người cha mình đối với thầy.
Từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XIX, làng ta có 23 cụ đồ nho, trong đó có 17 môn sinh, có ruộng đất, chiếm 16 mẫu 5 sào 9 thước, trong đó môn sinh cụ Nghè Dương có 3 mẫu là nhiều nhất. Cụ Nguyễn Văn Thúc, 1910-1953, (tức cụ Trưởng Bạ Thúc) là thầy đồ ít tuổi nhất của làng và cũng là thầy đồ kết thúc dòng Hán học của làng Trang Liệt. Cụ Vũ Thái Mậu (Quý Hợi 1922) là trưởng tràng môn sinh cụ Nguyễn Văn Thúc.
Đạo lý dân gian xưa: Sống tết chết giỗ, ghi xương khắc cốt, tam cương ngũ thường … như phương ngôn có câu: “Mồng một tết cha – Mồng hai tết chú – Mồng ba tết thày”. Hội đồng môn đã thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đoàn kết một lòng theo tinh thần “một cây làm chẳng lên non, hai cây chụm lại nên hòn núi cao”.