Về lĩnh vực y tế


Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả phủ Từ Sơn chỉ có một trạm y tế đặt ở phố phủ, với một bà Sa Păm (đỡ đẻ) và ông Đốc học. Làng nào có bệnh nhân thì mời Đốc học đến nhà khám chữa bệnh và bán thuốc. Làng Trang Liệt không có cơ sở y tế nào, nhân dân trong xóm làng khi ốm đau thường chỉ dùng thuốc nam và trông vào mấy ông lang làng, như cụ Tổng Bạch, cụ Tổng ngân. Vì thế sức khỏa nhân dân làng Trang Liệt không được bảo đảm, các bệnh tật phát sinh nhiều như kiết lỵ, thương hàn, sốt rét, lao phổi và bệnh đau mắt đỏ. Điển hình như sau trận lụt 15-7 Ất Dậu (1945), dịch sốt da vàng, dịch tả, bệnh đậu mùa ở trẻ em đã làm chết nhiều người. Ở làng ta khi đó số người chết so với các nơi khác không nhiều bằng. Trong khi đó, dân ở Nam Định, Thái Bình lên đến vùng Từ Sơn ăn mày, họ chết vì ốm đau, thiếu đói đầy đường quốc lộ 1A, trông mà khủng khiếp. Nói chung về y tế thời đó, dân tự phòng chữa bệnh là chính vì không có tiền mua thuốc, chỉ tin vào cúng bái mê tín dị đoan, tình trạng hữu sinh vô dưỡng rất nhiều. Phụ nữ đẻ nhiều, thường là 5, 6 con; bình quân tuổi thọ của người dân Trang Liệt rất thấp, độ 55 đến 59 tuổi là ra đi, rất hiếm các cụ thượng thọ1 (Tôi nói thêm về sự lừa bịp của đế quốc thực dân là, nếu thỉnh thoảng có một vài nhân viên y tế về làng làm nhiệm vụ tiêm phòng dịch tễ, chủng đậu, sởi… chủ yếu cốt để tuyên truyền cho “công ơn khai hóa” của nước Pháp đô hộ mà thôi.)

Sau khi cuộc chiến với thực dân Pháp vừa kết thúc chưa được bao lâu, Trang Liệt phải gánh chịu trận lụt Mai Lâm (1957), vì thế năm đó, công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được xem là trọng tâm. Trạm xá và mạng lưới y tế nhân dân ở cơ sở đã được xây dựng. Nhà hộ sinh, trạm xá Trang Liệt được chính quyền xây dựng tại rừng Sặt (1958). Lúc đó, bà Vũ Thị Sáu được cử làm nữ hộ sinh và là người phụ trách đầu tiên.

Hiện nay trạm xã Trang Liệt có 12 phòng, bố trí đủ các phòng bệnh nhân, phòng sản, phòng bán thuốc, phòng làm việc và đủ tiện nghi thiết bị chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân. Tất cả trẻ em trong làng dưới 6 tuổi đều được tiêm phòng 6 bệnh truyền nhiễm; chị em phụ nữ được khám phụ khoa theo định kỳ. Trạm xã vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số ở mức 1,3%. Câu lạc bộ dân số kế hoạch hóa gia đình không sinh con thứ 3 có 95 chị. Trạm xã Trang Liệt có 5 nhân viên, có 1 bác sĩ tăng cường và do ông Nguyễn Tiến Hiệp làm trưởng trạm.

Hàng năm đến ngày 27-7, ngày thương binh liệt sĩ, trạm xá còn tổ chức khám bệnh và cấp thuốc cho các đối tượng là người có công, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh. Hàng năm vào ngày 1-10, ngày Quốc tế người cao tuổi, trạm xá khám sức khỏe và cấp thuốc cho các cụ từ 80 tuổi trở lên (năm 2008 khám cho 107 cụ). Nhà nước còn cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cụ 85 tuổi trở lên. Công tác vệ sinh môi trường cũng được trạm xá thực hiện rất có trách nhiệm. Đội vệ sinh môi trường có 6 người, thường xuyên hàng ngày quét dọn, đẩy xe đổ rác ra nơi quy định.

Ý kiến bình luận