Trang chủ VĂN HÓA PHONG TỤC TẬP QUÁN Truyền thống phong tục

Truyền thống phong tục

Thời xưa theo lệ làng, chốn đình chung rất phiền hà và tốn kém. Lệ làng có nhiều quy định đến chi tiết. Đó là:

(1)Điều kiện làm cai đám phải là đàn ông và gia đình, cả ông bà song toàn, con cháu đề huề; về kinh tế phải khá giả để có khả năng khao làng; ở nhà thắp hương thờ thánh và ra xã hội lo việc hội đám, việc dân việc làng… Với điều kiện ấy nên có năm chỉ có một ông ra làm cai đám, có năm không có ai, khi đó dân làng phải đi tô ông Đám Cựu làm chủ lễ cho dân.

(2) Đàn ông ở độ tuổi 49, nếu không làm quan đám nhất, nhì thì làm ông cai đám Dặt. Sau hội, từ mồng 10 đến 15 tháng 4 âm lịch, các ông cai đám Dặt khao làng tại đình. Nếu số lượng đông thì phân chia mỗi ngày 2 ông cai đám Dặt khao. Nếu ông nào không khao làng thì dù đã lên lão cũng không được đến chốn đình chung, nên thời xưa có ông B ở xóm B đã phải bán nhà, đất để lấy tiền khao làng làm ông cai đám Dặt.

(3) Lệ làng quy định khao lão: khao các cụ thượng thọ 70 tuổi, khao thượng thượng thọ 80 – 90 tuổi. Thời xưa lệ làng rất tôn trọng các cụ cao niên.

(4) Ngày 8 tháng giêng âm lịch, theo tục lệ là ngày thăng thứ (thứ bậc của làng). Lệ làng xếp vị trí ngồi theo thứ tự, vai đâu ngồi đấy, từ các cụ thượng, kể cả các chức sắc, ban trưởng, đến chạ tam tứ bàn, bàn năm, bàn bảy.

Các độ tuổi từ 49 trở xuống đến trai đinh 18 tuổi, lệ làng căn cứ vào tuổi mà phân bố vào ban chạ để gánh vác việc làng. Ban chạ gồm những người ở độ tuổi dưới ban trưởng, được sắp xếp thứ tự gắn với công việc cụ thể dựa theo các bản tuổi (đồng niên) và theo nguyên tắc: trên dịch trước, dưới dịch sau. Vì thế mà lệ ngồi đồng niên rất được dân lang xem trọng.

Lệ ngồi đồng niên từ thời xưa đã quy định:nam giới từ 14 đến 18 tuổi thì khi kết thúc ngày 8 tháng giêng năm đó phải sửa cơi trầu dâng lễ, gọi la “vào làng nhận việc dân”. Những gia đình xin con nuôi và người nhập cư muốn vào làng theo lệ thì ngoài cơi trầu, phải có 3 quan tiền dâng lên, nếu được dân làng đồng ý vào làng thì người đó sẽ có đủ tư cách vào hội tư văn, các ban trưởng, ban chạ và phường hội, còn nếu không được chấp nhận thì họ chỉ là người tạm trú theo pháp luật mà thôi. Đồng niên, dù ít hay nhiều người đều phải phân thứ bậc trên dưới, có trưởng đồng niên… út đồng niên và có điều này được căn cứ vào tuổi cao thấp của người bố, nếu có trường hợp bố của họ bằng tuổi nhau thì lại căn cứ vào tuổi người ông.

Chạ bàn năm, bàn sáu, bàn bảy, quy định mỗi bàn có 24 người, ba bàn là 72 người, từ độ tuổi 34 trở xuống đến 18 có nhiệm vụ đi rước hội đám.

Chạ tam tứ bàn là chạ bàn ba, bàn tư, với số lượng định đủ 48 người. Chạ bàn ba hay gọi bàn nhất, có 24 người, từ 1 đến 24 người. Chạ bàn tư gọi là  bàn nhì, từ người thứ 25 đến người thứ 48, có độ tuổi từ 35 đến 42. Ban chạ này có nhiệm vụ hộ tang (đô tuỳ) khi có người quá cố, nhiựm vụ cụ thể do trưởng, phó ban chạ phân công, như phù giá nội, trống chiêng, trống tiêu cổ… Trường hợp thành viên chạ với người quá cố là cùng dòng họ thì sẽ được miễn nhiệm vụ chạ (kiếu).

Thành viên ban chạ sau  khi hoàn thành nghĩa vụ thì được dật lên ban trưởng, độ tuổi từ 43 đến 49, ban trưởng cả là độ tuổi 49. Tham gia chạ thực chất là nghĩa vụ “đồng lần” của mỗi người nam giới khi đến tuổi chạ. Còn lên lão làng là người vào độ tuổi 50, sau khi họ đã  hoàn thành nhiệm vụ của ban khánh tiết, trong cả một năm tuổi 49, và tham gia hội phụ lão.

Hiệu mõ chạ (mõ đám ma) là 3 hồi 5 tiếng, còn hiệu lệnh là 1 hồi 5 tiếng. Hiệu mõ của làng do ông cai đám hoặc ban trưởng cả đánh, mõ 4 hồi 3 tiếng, tượng trưng ban trưởng ở tuổi 43 trở nên. Hiệu mõ lão đánh 7 tiếng 7 hồi (49 tiếng) và một hồi mõ dài, tượng trưng tuổi 49 đã hoàn thành nhiệm vụ ban khánh tiết, lo công việc dân, để lên lão làng.

Thời xưa, các cụ phân chia Trang Liệt có 2 giáp, là giáp Đông và giáp Bắc, với nóc dân, nóc lão… Giáp Đông có xóm Nghè, xóm Né, xóm  Bông; giáp Bắc có xóm Đá, xómTây Phướn. Nóc dân gồm: hai quan đám nhất, quan đám nhì hoặc có một quan đám. Nóc lão là các ông đã hoàn thành nghĩa vụ ban trưởng, ban Khánh tiết, tuổi từ 50 cho đến các cụ thượng 70 tuổi, thượng thượng thọ 80 – 90 tuổi.

Lệ làng quy định cụ thể về vị trí ngồi ở đình, kính lão đắc thọ, như sau: Hai bên sàn đình cao, giáp Đông có 2 ô vuông, mỗi ô 4 cụ thượng thọ 70 tuổi ngồi trên chiếu cạp điều; giáp Bắc có 2 ô, mỗi ô cũng gồm 4 cụ, vậy có 16 cụ. Nhưng các cụ có truyền lại là, làng ta thường không bao giờ ngồi đủ  được 16 cụ, vì tuổi thọ ngày xưa rất thấp, chỉ đến độ tuổi 57 – 59, nên các cụ thượng thọ trên 70 tuổi rất hiếm, có 7, 8 cụ đã là nhiều rồi, đặc biệt lắm mới có cụ trùm Tư (nhất làng) thọ 89 tuổi.

Thời xưa các cụ thượng thọ 70 tuổi, 80 tuổi trở lên có điều kiện kinh tế đều tổ chức mừng thọ tại gia đình và khao làng. Mừng thọ tại gia đình thì gi chủ mời họ hàng đến nhà mừng thọ. Còn khao làng mừng thọ thì gia chủ mời làng tại nơi chốn đình chung. Lễ khao làng là một mâm xôi, thủ lợn (lợn từ 30 đến 40 kg hơi) và trầu cau, rượu… trước ra đền lễ, sau về đình việc làng. Thành phần dự gồm nóc dân, hai ông cai đám, ban trưởng cả, các ông chức dịch, nóc lão, hội tư văn và ban chạ tam, tứ bàn. Trường hợp nếu các cụ thượng thọ 70 tuổi vắng mặt việc ở làng, dân có phần biếu tại nhà (trả trước ăn sau), nhưng nếu cụ nào không khao làng thì không có phần biếu.

Sổ lệ làng đã quy định các tiết lễ chu  niên (theo âm lịch) như sau:

– Lễ Tết nguyên đán mồng 1 Tết.

– Lễ sóc vọng tháng đôi tuần gồm 24 tiết, tối ngày 14 và 30 lễ cáo yết.

– Ngày 1 tháng 3 lễ Trạch Bảo, là ngày bầu ông cai đám nhất, nhì.

– Ngày 3 – 3 quan đám nhất rước nồi hương Đức Thánh Cả về nhà thờ; quan đám nhì rước nồi hương Đức Thánh Mẫu về nhà thờ.

– Ngày 6 – 3 giết gà đóng đám, tức lễ “nhập tịch”, mở cửa đền.

– Ngày 7 – 3 tế tập nghi lễ rước cỗ chè ở nhà ông cai đám ra đền, gọi là tế cỗ chè.

– Hội làng thường lệ từ 8 – 3 đến sáng 13 – 3 rước rã (6 ngày đêm)

– Làng mở đại hội từ 8 – 3 đến 15 – 3 rươc rã (8 ngày đêm), sáng 8 giờ rước về đình.Tế nhập tịch. Tối 8 – 3 hát chèo… Trong những ngày rước về đình, ban trưởng cả tu lễ sáng và tối.

Ngày 9 – 3 đón chạ anh, chạ em (kết chạ với xã Yên Thường, huyện Từ Sơn cũ, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Ngày 10, 11 và ngày 12 – 13 tổ chức vui chơi đấu vật, phường  hát, phường cờ, có năm tổ chức tổ tôm điếm… chọi gà, chiều hát tuồng ngày, tối cũng hát tuồng và đốt cây bông… Các cuộc vui này, dân làng chỉ phải chi một số tiền nhỏ, còn lại là do các cai phường, hội lo liệu, vì các phường, hội vinh dự được đăng cai.

Ngày 13 – 3 rước rã, sáng 8 giờ rước từ nhà Thánh ở đình về lại đền, đến trưa, hội tư văn tế yên sàng, gọi là tế yên vị, buổi tối dân lễ tạ.

– Nếu năm nào dân làng mở đại hội 8 ngày, thì ngày 13, 14 – 3 tổ chức các cuộc vui văn nghệ và trò chơi, tối ngày 14 – 3 đốt cây bông. Ngày 15 – 3 âm lịch rước rã, sáng 8 giờ rước Đức thánh Trần ở đình về đền; 11 giờ trưa hội tư văn tế yên vị, đến tối ban trưởng cả làm lễ tạ.

Ngoài ra có các tiết lệ khác trong năm, như:

– Tiết lễ Hạ điền tháng 3,lễ thượng điền tháng 7, do hội tư văn tế lễ ở nhà thờ Tiên nông (nhà đòn cũ)

– Lễ hong Sắc, một năm 2 lần (xuân thu) các cụ xem  ngày mồng 10 – 2

– Ngày 15 – 8 tế lễ hoá nhật vào 6 giờ sáng. Sáng tổ chức vui chơi, chiều hát tuồng. Tối 15 – 8, tổ chức văn nghệ.

– Lễ cơm mới tháng 9, lễ xôi mới (10 – 10).

– Lễ tất niên 30 Tết, lễ đón giao thừa kết thúc một năm.

Về chi tiêu cho các tiết lệ hội hè, đình đám chu niên, thời xưa làng có tiền của dân, có thủ quỹ giữ và hội đồng hương chính quản lý, điều tiết. Nguồn thu là từ sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp của làng, thu tiền bán mầu 100 mẫu ruộng công và các khoản thu theo lệ làng, như nộp cheo, nộp lệ người chết, nộp lệ người vào làng. Ngoài ra còn có khoản thu từ việc mua bán các chức vị trong làng, như mua ban tư văn, mua nhiêu xã (phó lý…). Ban chánh hương hội lên dự án chi tiêu cho lễ hội, từng tiết lệ chu niên, chi tiết tới từng mục, theo đó, ban trưởng cả khi phải  chi dung cho tiết nào thì đến thủ quỹ nhận tiền.

Theo tục lệ việc làng xưa kia, đồ tế lễ cho 2 tiết lễ chính: sinh nhật Thánh 8 – 3, là tam sinh (trâu hoặc bò thui, lợn 40 kg hơi, dê), xôi 1 nồi gạo nếp cái, trầu cau hoa quả, rượu 2 chai 65; còn liết lễ hoá nhật 15 – 8, gồm xôi 1 nồi gạo nếp, 1 đầu lợn 40 kg hơi, rượu 1 chai 65. Tế lễ xong đem về đình khao việc làng, từ nam phụ lão ấu được dự.

Ngoài ra, các ông đám nhầt – nhì và ông cai đám Dặt khi khao làng, làm lễ ở đền xong thì đem ra đình khao việc làng. Thành phần dự tiệc làng gồm có: nóc làng, nóc lão, chạ tam tứ bàn, nhưng ai đi việc làng đều phải quang quẻ (không có tang).

Mỗi làng thuộc huyện Đông Ngàn đều có tục lệ riêng, theo tập quán của làng đó. Tục lệ đó, từ đời xa xưa các cụ đều xây dựng bằng  văn bản và di ngôn truyền lại rằng, Trang Liệt có tập tục hay lệ làng khá riêng biệt và có nhiều nét độc đáo. Nhưng đến năm 1935, hương ước và lệ làng đã cải lương, có chiều hướng tiến bộ về việc khao làng, khao quan đám, khao lão theo hướng là tự nguyện của mỗi người, chứ không bắt buộc như trước, vì thế dân làng kẻ giàu, người nghèo đều có thể lo được.

Đặc biệt, người dân Trang Liệt từ xưa đến nay vẫn coi trọng việc chi tiêu tiết kiệm, chống lãng phí, luôn thể hiện văn minh về giỗ chạp, ma chay, cưới xin, khao vọng… Theo tập quán, gia chủ mời ăn cỗ rất đúng đối tượng, mời ai thì người ấy đi mà không thể ai đi thay được, nếu vắng thì sau đến lễ, do đó cỗ chỉ có thừa chứ không thiếu và trong nhà, người vợ (hoặc chồng) một mình đi ăn cỗ cũng là chuyện bình thường.

Về tập quán trang phục thời cổ xưa, được chia ra thành nhiều kiểu khác nhau theo độ tuổi của giới nam và nữ.

Các cụ lão ông, bậc thượng thọ, cụ trùm, cụ cựu thì mặc áo dài the, đội khăn xếp, hoặc khăn lượt quấn vành dây. Cá biệt có cụ ông tóc búi tó, mặc áo cánh vải sồi, lụa hoặc vải nâu – gụ đóng khuy (rút) bên sường trái. Quần vải nâu, sồi, còn gọi là quần lồng bàn.

Các cụ lão bà, trang phục có rườm rà hơn. Các cụ mặc áo trắng bà ba song tràng; yếm sồi lụa màu hạt dẻ hoặc vải gụ; khăn đầu vải thâm, chéo hoặc lụa thâm, lanh; chit khăn mỏ quạ. Các cụ mặc váy, sau này, đến thập kỷ 80 mới bỏ váy mặc quần. Đi lễ chùa, phường hội hay đi ăn cỗ, các cụ thắt lưng bả, vải, sồi lụa thâm Hà Đông và đội nón ba tầm. Nhưng tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, nhiều cụ trang phục đơn giản hơn và dung các loại vải không đắt tiền.

Nam nữ trung, thanh niên, nam mặc áo cánh đóng khuy trai giữa ngực;  quần vải sồi, màu nâu hoặc gụ; áo dài the khăn xếp, đi loại giầy bình thường. Còn với nữ, thông thường mặc áo bà ba, mặc yếm, váy vải đen chéo. Nói chung quần áo nữ có nhiều loại, vải gụ mầu hạt dẻ, áo dài 5 thân, nhà khá giả thì thường thắt lưng bao xanh hoặc màu lụa.

Các vị chức sắc, lớp thượng lưu, ngoài mặc áo dài sa bóng, trong mặc áo dài trắng cổ cồn, hoặc áo trắng, áo sơ mi bình thường; mặc quần âu thắt ca vát; đi giầy da Gia Định.

Trang phục thời nay đã đổi khác về căn bản. Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các tầng lớp nhân dân, như trí thức, công chức, công nhân, nông dân, người lao động vất vả… nên trang phục đều theo thời mới cho phù hợp với từng người và từng hoàn cảnh và công việc.

Ý kiến bình luận