Các phường hội


Tục xưa của làng có thành lập các phường hội, do những người vì yêu thích, có sở trường các môn, các nghề như võ vật, chọi gà, chơi chim, cờ tướng … họ tự nguyện họp thành phường hội. Vào phường nào, các hội viên phải đóng góp tiền để xây dựng quỹ phường hội, vì thế ngày xưa, phường nào cũng mua ruộng để cho thuê mầu lấy hoa lợi nhập quỹ.

Hàng năm làng mở hội, tất cả các phường đều chịu trách nhiệm tổ chức treo giải thưởng cho các trò chơi, văn nghệ, tuồng chèo, võ vật, cờ tướng, có năm có cả tổ tôm điếm… Dân làng chỉ chi cho một phần nhỏ, còn phường lo liệu giải to hay nhỏ là tùy khả năng. Mỗi phường có từ 25-30 hội viên, có phường, người bố là thành viên, nếu chết thì con trưởng thế vào phường đó, vì đã có sự đóng góp quỹ từ xưa rồi.

Mỗi phường có một cụ đứng đầu gọi là cụ Chùm phường, là người vận động mọi người vào phường đó. Trang Liệt có một số phường tiêu biểu:

  1. Phường vách, (buôn nồi đồng) sau gọi là phường Thường cả, có 3 mẫu 6 sào ruộng.
  2. Phường vật, Chùm phường là cụ Cựu Tu, có 7 sào 8 thước ruộng.
  3. Phường cờ, Phường cụ Thủ Thản, có 4 sào ruộng.
  4. Phường hát chèo (I) cụ Năm Long; phường hát (II) cụ Chánh Kiểm có 3 sào 5 thước ruộng.
  5. Phường đấu kê (chọi gà), cụ Vũ Thái Doanh, cụ Lý Tác, cụ Lý Hiếu.
  6. Phường chim, cụ Lí Cự.
  7. Phường bông, cụ Cữu Dưỡng, ruộng có 1 sào 10 thước.
  8. Phường bản lạnh (kèn), cụ Ngô Hữu Tước, có 2 sào 10 thước ruộng.
  9. Phường bát, cụ Hai Chế.

Xưa kia, ngay ở các làng trong vùng cũng rất ít nơi tổ chức được các phường hội như ở làng Trang Liệt, vì rất tốn kém, nhưng đây là một truyền thống văn hóa cổ xưa của làng, vốn có những hấp dẫn riêng của nó.

Trong xây dựng quê hương văn hiến, ông cha ta thời xa xưa văn võ kiêm toàn, có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Làng Trang Liệt đã xây dựng được một thiết chế cộng đồng bền chặt, vừa mang nặng tình làng nghĩa xóm, “sớm lửa tối đèn có nhau”, “anh em xa không bằng láng giềng gần”, lại vừa coi trọng yếu tố huyết thống. Những thiết chế văn hóa đó mang đậm nét bản sắc, thể hiện trong các quy định của lệ tục làng quê, trong hương ước… góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những truyền thống quý báu đó luôn luôn được vun đắp, giữ gìn và phát huy qua các thời kỳ, từ lịch sử đến đương đại.

Như vậy, hàng ngàn năm trước, ông cha ta đã tới vùng đất này quần cư lập nghiệp, lập làng, hình thành nên một làng quê hoàn chỉnh, từ kinh tế, xã hội, chính trị cho đến phong tục tập quán, lệ làng và các thiết chế tín ngưỡng tôn giáo. Từ cái nôi làng quê Trang Liệt, người làng ta tỏa ra mọi vùng đất nước, đem tài, đem sức đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam. Vậy cần làm gì để cho truyền thống làng Trang Liệt luôn được tỏa sáng đến mai sau? Đây đang là vấn đề đặt ra cho thế hệ hôm nay.

Ý kiến bình luận