Vào ngày 8 tháng tư âm lịch hàng năm, tại chùa Dâu vùng Thuận Thành, Bắc Ninh lại diễn ra long trọng lễ hội tứ pháp.Lễ hội diễn ra với mong ước mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu có từ gần 2000 năm trước và bản thân lễ hội này lại có nguồn gốc từ xa xưa hơn nữa.
Khoảng thế kỷ thứ II, III một số nhà sư phật Ấn Độ đã đến Dâu truyền bá đạo Phật. Vùng đất này sau đó nhanh chóng trở thành trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất nước ta, gồm một loạt chùa cổ ở vùng Dâu như: chùa Cổ Châu, chùa Thành Đạo, chùa Bình Văn, chùa Linh Thông, chùa Trí Quả, chùa Phúc Nghiêm… Năm 1313, Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi xây dựng lại chùa Dâu với quy mô rất lớn với “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Sau đó tiếp tục được trùng tu vào các đời Lê – Nguyễn, đến nay còn khá nguyên vẹn, với cấu trúc mô phỏng chữ “Quốc”.
Ngoài giá trị kiến trúc cổ đời Trần, chùa Dâu còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật quý, là những bức chạm khắc gỗ và các tượng Phật nổi tiếng: Pháp Vân, Tam Thanh, Tam Thế, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Sư tổ tì- ni- đà – lưu – chi, Mạc Đĩnh Chi … Pho tượng Ngọc Nữ có kích thước như người thật, mang dáng dấp đời thường là pho tượng đẹp, đặc biệt thu hút sự chú ý của du khách.
Nhưng đặc biệt thu hút du khách nhất vào ngày lễ hội mồng 8 tháng tư âm lịch hàng năm. Theo truyền thuyết thì hôm ấy là ngày bà Man Nương (Phật Mẫu) sinh con, sau này là hiện thân Phật Thạch Quan và Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Theo dân gian truyền lại thì vào thế kỷ thứ II có một người con gái tên là Man Nương, người làng Mãn Xá được ông bà Tu Định cho theo sư Khâu Đà La ở chùa LInh Quang. Rồi Man Nương có thai 14 tháng, ngày 8/4 sinh con gái. Man Nương gửi trả cho Khâu Đạt La. Sư đặt đứa bé vào trong thân cây Dung thụ. Gặp khi trời mưa to gió lớn làm đổ cây đó, cây trôi về bến sông thành Luy Lâu. Sĩ Nhiếp – thái thú thành Giao Châu đã cho quân kéo cây về định làm cung điện. Nhưng đêm nằm mơ thấy vị thần tiên bảo phải làm tượng Phật. Sĩ Nhiếp bèn kén thợ giỏi vào thành tạc tượng mà ngày nay vẫn còn di tích Bãi Đống Răm là nơi tạc tượng. Thợ tạc được 4 pho tượng lớn là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Sĩ Nhiếp cho đặt ở 4 chùa : Dâu, Đậu , Tướng, Dàn. Tại chùa Phúc Nghiêm (chùa Tổ) có tượng Man Nương ( Phật Mẫu) cũng to đẹp như tượng Tứ Pháp. Ngoài ra trong cây Dung thụ còn có hòn đá hình đứa trẻ, gọi là Phật Thạch Quang, cũng đặt ở chùa Dâu.
Ngày hội Tứ Pháp
Lại có truyện kể rằng (ở vùng Dâu, Keo): sau khi tạc bốn pho tượng, còn thừa một cành to, thợ bèn tạc thêm một pho tượng đặt tên là Pháp Vân (bà Út), Sĩ Nhiếp cho đặt ở chùa Keo. BÀ Út vào dự hội hay nghịch ngợm, gây mất trật tự lễ hội nên về sau không cho vào dự lễ hội nữa. Và ngày lễ hội có lệ : trai tráng Giao Tất (Keo) “chạy ngựa” đến chùa Thầm nửa đường vào chùa Dâu hỏi thăm Dâu có mở hội không và được trả lời là “không” và Keo mở hội riêng, cúng vọng vào chùa Tổ.
Phần lễ nghi long trọng kết thúc thì phần hội cũng bắt đầu với những trò: “Mẹ đuổi con”, “Vái chị vái em” rồi trò “Cướp nước”, trò múa gậy dẹp hội rất độc đáo và vui nhộn. Sự linh nghiệm của Tứ Pháp được các triều vua nước ta kể từ thời Lý đến thời Trần, Lê rất ngưỡng mộ. Các vị vua đã nhiều lần đến chùa Dâu cầu đảo hoặc cho rước tượng Pháp Vân chùa Dâu về kinh đô Thăng Long cúng tế cầu đảo.
Ý kiến bình luận