Ngày mồng Tám tháng Tư được chọn làm ngày mở hội chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên mà có dụng ý sâu sắc của người xưa.
Trước hết đó là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni (mồng Tám tháng Tư năm 565 trước Công Nguyên), vị giáo chủ đầu tiên của đạo Phật. Đến thế kỷ thứ III trước CN, vua A dục đã xây hơn 8 vạn tháp thờ Phật và thúc đẩy việc truyền đạo ra nước ngoài. Theo sách “Thủy Kinh chú”, một trong những ngôi tháp ấy được xây ở Dâu-Luy Lâu. Đó là dấu tích Phật giáo sớm nhất Việt Nam.
Tuy nhiên trước khi đạo Phật được truyền vào thì người dân bản địa đã có tín ngưỡng thờ Thần Nước, tức là những vị Thần Nông nghiệp. Câu chuyện nàng Man Nương, cô gái Kẻ Mèn (nay thuộc xã Hà Mãn, Thuận Thành) mộ đạo Phật, nằm ngủ quên giữa cửa; sư Khâu Đà La vô tình bước qua mà thụ thai, được giải thích là sự mầu nhiệm của “Thiên Nhân hợp khí”! Thực chất đó là cuộc hôn phối giữa đạo Phật với tín ngưỡng bản địa. Kết quả sau đấy đã sinh ra bé gái, tiền thân của Phật Tứ Pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp) thờ ở vùng Dâu-Luy Lâu rồi lan tỏa ra nhiều nơi khác.
Người xưa cũng làm cuộc “đánh tráo khái niệm” tài tình, cho bé gái sinh trùng khớp vào ngày Phật đản. Thành ra mồng Tám tháng Tư không chỉ là ngày sinh Phật Thích Ca (ấn Độ) mà còn là ngày sinh của Phật Tứ Pháp (Việt Nam). Khách thập phương hành hương về chùa Dâu lễ Phật, chả còn lý do gì để mà lưỡng lự, phân vân!
Song ý nghĩa quan trọng nhất của Hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
Ngày xưa nông dân ta canh tác một năm hai vụ, chiêm và mùa. Sản xuất bấy giờ hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Mà thiên nhiên thì khắc nghiệt, mưa nắng, úng hạn thất thường nên vụ chiêm rất bấp bênh, chỉ còn trông chờ vào vụ mùa. Tháng Tư là tháng bắt đầu cày bừa gieo cấy lúa mùa: Tháng Tư cày ruộng mưa sa đầy đồng (Ca dao).
Hội Dâu tiến hành vào đầu tháng Tư chính là lễ hội của cư dân nông nghiệp. Các nghi thức trong Hội Dâu xét cho cùng đều là những hoạt động diễn xướng tín ngưỡng cầu Thần Nước của nông dân.
Ban ngày rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là hội tụ các yếu tố Mây+Sấm+Chớp=Mưa.
Ban đêm rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa.
“Múa gậy” không chỉ để dẹp đám mà còn tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa là dấu vết Man Nương cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh.
Đặc biệt cuộc thi “Cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.
Ta hiểu vì sao các vị vua triều Lý ngày xưa thường rước Phật Pháp Vân về Kinh đô Thăng Long làm lễ “cầu đảo”. Vì sao đời này qua đời khác, trong dân gian vẫn nhắc mãi câu ca: Tháng Tư ngày Tám thì về Hội Dâu.
Nguyễn Duy Hợp