Trang chủ XÃ HỘI TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH Về xã hội chính trị

Về xã hội chính trị

Thời xưa, người dân từ tuổi 42 đến 48 đã lên ban trưởng. Ban trưởng,có nhiệm vụ điều hành mọi công việc chu niên với ba ban có chức năng khác nhau.

Một là, Ban trưởng làng có 48 vị, ban trưởng cả là tuổi 49, số lượng tuỳ theo độ tuổi.

Hai là, Ban trưởng họ (tuỳ theo độ tuổi do từng họ)

Ba là, Ban trưởng xóm, cũng tuỳ theo độ tuổi do xóm quy định, có nhiệm vụ điều hành các công việc lớn nhỏ của xóm, như: đóng góp tiền, nhân công để xây dựng đường làng ngõ xóm, cầu quán miếu mạo…

Ban trưởng xóm có nhiệm vụ tổ chức đi thăm hỏi nhau khi trong xóm có người đau yếu, không may bị hoạn nạn, hoặc khi có công việc hỷ (đám cưới)… thì ít nhiều đều có chút quà động viên. Còn khi trong xóm có người già yếu quá cố (đám hiếu) thì mỗi nhà trong xóm (ngõ) này có nhiệm vụ phải cử một người đi trị huyệt (đào mả) và giúp chon cất đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Sau khi cơ bản hoàn thành xâm lược nước ta, thực dân Pháp tiến hành xây dựng bộ máy cai trị để phục vụ cho việc khai thác, bóc lột thuộc địa của chúng. Trang Liệt trước đây là một xã độc lập, một đơn vị chính trị cơ sở của bộ máy thống trị quan lại phong kiến từ tỉnh xuống phủ, huyện, tổng và làng xã, dưới sự điều khiển của chính quyền thực dân.

Đứng đầu mỗi huyện hoặc phủ có một viên tri phủ, giúp việc cho tri phủ là Lục Sự, Thừa phái… và một hoặc hai tiểu đội lính cơ bảo vệ an ninh trong phủ đường. Dưới huyện là một tổng, do chánh tổng và phó tổng đứng đầu và có đội tuần phiên hàng giúp việc. Chánh tổng là người thay mặt quan tri phủ đôn đốc việc bắt lính, bắt dân đi phu, thu thuế và giám sát công việc hành chính, trị an trộm cướp hoặc giải quyết khi xảy ra án mạng ở mỗi làng trong tổng.

Đứng đầu mỗi làng có lý trưởng, phó lý, trương tuần, sử dụng tuần đinh (còn gọi là Tuần phiên), như một cây gậy để thực thi nhiệm vụ quản lý hành chính, đôn đốc thuế khoá, bắt lính và bắt phu phen tạp dịch. Bộ máy này ngày đêm tuần tra canh gác, bảo vệ nội hương ấp, ngoài đồng điền, trật tự trị an nông thôn. Ngoài ra còn có thư ký giúp việc khai sinh, khai tử, giá thú, thủ quỹ giữ tiền của công và chưởng bạ chuyên quản lý bản đồ, địa chính, ruộng đất. Dựa vào bộ máy thống trị tàn bạo, đế quốc Pháp không từ một thủ đoạn dã man nào để phục vụ lợi ích cho chúng.

Trước năm 1925, ở Trang Liệt đã có một số người bị Pháp bắt đi lính khố đỏ đem sang Tây, như: cụ Ba Cúc, cụ Bếp Lãng, cụ Bếp Đảng… Tháng 9 – 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp còn bắt lính ở các nước thuộc địa phục vụ chiến tranh. Ngoài lính khố đỏ, chúng còn bắt cả lính thợ. Theo lệnh quan trên, lý dịch mỗi làng phải bắt thanh niên nộp cho Pháp làm lính đánh thuê. LàngTrang Liệt đã có các ông: Ngô Hữu Hán, Nguyễn Thế Nhu, Phan Đình Nhung, Ngô Hữu Xuân (Ba Xuân), Vũ Kim Cúc phải sang Pháp, năm 1950 mới được về nước, trong đó có người vào du kích, rồi hy sinh.

Tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật đem quân chiếm đóng Lạng Sơn. Hai bên Pháp – Nhật đánh nhau và  lính Pháp chạy toán loạn. Pháp không còn bảo vệ nổi Đông Dương đã phải ký kết hiệp ước dâng Đông Dương cho Nhật. Từ đó nhân dân ta một cổ hai tròng, nỗi cực khổ của dân tộc Việt Nam tăng lên gấp bội. Đế quốc thực dân còn thực hiện chính sách cải lương hương chính, lập ra Hội đồng hương hội. Đứng đầu Hội đồng là chánh hương hội và phó hương hội, gồm các kỳ hào kỳ mục, đại diện cho các Ban hương hội chịu trách nhiệm thường trực giải quyết công việc. Hội đồng có cả đại diện các dòng họ trong làng, họ to cử 2 người và mọi việc đều cột vào “Tộc biểu” để thực hiện lệ làng, phép nước, nên gọi là Hội đồng tộc biểu. Ngoài ra còn có hương hội, thư ký, thủ quỹ giúp việc cai quản làng xã. Trước đây, hàng tháng, hoặc 3 tháng, hội đồng họp thường kỳ để bàn việc  lớn trong làng, ra nghị quyết xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng, đình chùa, trường học, đường xá, cầu cống… quản lý tài chính chi thu, quản lý ruộng đất của công dân.

Để có tiền chi tiêu trong làng xã và cho việc điều hành quản lý, hang năm bộ máy chính trị làng tổ chức đấu thầu ruộng công cho nhân dân thuê. Phần chi để xây dựng cơ sở hạ tầng, như trường học, đường xá, sửa chữa đình, đền, chùa, được thực hiện qua việc tu lễ chu niên, do ban trưởng cả tu lễ chu niên nơi đình, đền và trong lễ hội.

Đến năm 1941, hội đồng tộc biểu bị bãi bỏ, thay thế bằng Hội đồng kỳ hào, kỳ mục gồm những người là hương lý kỳ cựu, được tặng phẩm hàm; các lý, phó trưởng; công nhân viên chức; người có bằng sơ học Pháp Việt trở lên và người giàu có thế lực trong làng xã. Đứng đầu Hội đồng kỳ hào là tiên chỉ, giúp việc có thứ chỉ… Thời kỳ này ở làng ta, ông Lê Tiếp Ấp làm tiên chỉ.

Theo đó, xã hội nông thôn làng Trang Liệt bị phân hóa thành nhiều thành phần, tầng lớp, đẳng cấp có địa vị xã hội khác nhau. Dân làng còn bị phân hoá thành 2 loại, là dân chính đinh – “dân gốc”, với dân ngoại cư – “ngụ cư”. Người dân ngoại cư đến từ xưa, lúc còn nhỏ, nếu gia đình giàu có mà mua được ngôi thứ, như mua vào hội tư văn, ngôi thứ trong dân, thì có giá trị như người dân gốc. Nhưng nhìn chung dân Trang Liệt gốc đối với người dân ngụ cư không có nhiều phân biệt đối xử.

Xã hội phong kiến đề cao việc mua chức tước hão danh, như mua phó lý, mua nhiêu, mua xã, cũng là nhằm để bòn rút, bóc lột người nông dân, khiến cho có người lâm vào cảnh bần cùng, đến khuynh gia bại sản. Ngoài ra, với các loại thuế cố định hàng năm, nhân dân phải đóng góp thuế đinh hoặc thuế thân, được phân ra nhiều loại, như trai đinh từ 18 tuổi đến 60 tuổi, phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ cùng đinh đóng 1 đồng 7 hào. Còn thuế điền thì đóng theo đầu mẫu từng loại ruộng đất, thu sương dạ (do trương tuần thu để chi cho tuần phiên). Ngoài ra còn nhiều thuế vô lý khác, hà thu lạm bổ của lý dịch. Nhật – Pháp còn thu thóc đầu tạ của dân, nên tại cầu 9 gian, năm 1944 – 1945, Mặt trận Việt minh dán áp phích cấm lý trưởng không được thu thóc đầu tạ.

Những năm 1942 – 1943, Pháp còn giao cho lý dịch làm đại lý bán hàng, như hàng tháng phải bán được 100 lít rượu phông – ten cho dân. Trong khi đo, hành thiết yếu như muối và diêm thì chúng bán rất hạn chế, có khi hàng 3, 4 tháng không bán.

Như vậy, thực dân Pháp đã tìm mọi thủ đoạn để bóc lột nhân dân ta.  Mỗi mùa vụ thu thuế đinh, thuế điền, lý dịch, tuần phiên và lính phủ, huyện ngày đêm về xoi sục dân làng, trống đánh đổ hồi liên tục, còn tuần phiên thì đôn đốc suốt ngày đêm. Đối với người dân, những ngày này thật khủng khiếp, thật là:

“Nửa đêm thuế thúc trống dồn

Sân đình đổ máu, đường thôn lính đầy”

Ý kiến bình luận