Trang chủ BẮC NINH TRONG TÔI LÀ... Lễ hội đền Đô: Âm vang tiếng gọi cội nguồn

Lễ hội đền Đô: Âm vang tiếng gọi cội nguồn

Sau rộn ràng của những lễ hội đầu xuân vùng Kinh Bắc – thường là gắn liền với sinh hoạt văn hoá của người Quan họ, nhiều du khách khắp mọi miền tổ quốc lại cùng hội ngộ tại lễ hội Đền Đô – kỷ niệm ngày Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở cho một vương triều hưng thịnh, tạo dựng, phát triển quốc gia và nền văn hoá Đại Việt rực rỡ. Lễ hội Đền Đô truyền thống được tổ chức trong 3 ngày 14, 15 và 16 tháng Ba âm lịch hàng năm là tiếng gọi âm vang từ cội nguồn dân tộc.

Đền Đô nằm trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (cách Thủ đô Hà Nội gần 20 km). Từ xưa vùng đất này đã nổi tiếng là vùng văn hóa, là nơi có phong cảnh đẹp. Đền Đô được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn (thế kỷ XI).

Đền Đô nằm trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (cách Thủ đô Hà Nội gần 20 km). Từ xưa vùng đất này đã nổi tiếng là vùng văn hóa, là nơi có phong cảnh đẹp. Đền Đô được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn (thế kỷ XI). Đền thờ 8 vị vua nhà Lý đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224).

Khu di tích đền Đô có diện tích 31.250m2, với trên 20 hạng mục công trình gồm: đền thờ, nhà tiền tế, nhà phương đình, nhà bia, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ, cửa rồng, nhà thuỷ đình, văn chỉ , võ chỉ… Nhà thuỷ đình đền Đô xưa đã được Ngân hàng Đông Dương thời thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng nhưng cũng chính nó bị thực dân Pháp phá huỷ hoàn toàn cùng với quần thể kiến trúc đền Đô vào năm 1952 trong một trận càn quét “đốt sạch, phá sạch”.

Quê hương nhà Lý là nơi tiêu biểu cho các làng quê vùng kinh Bắc. Nơi đây có các di tích lịch sử – văn hóa như chùa Cổ Pháp, Kim Đài (một trong những trung tâm Phật giáo cực thịnh vào thế kỷ VIII); đình làng Lý Khánh Văn, nơi thờ và tưởng niệm người cha nuôi của vua Lý Thái Tổ; Thọ Lăng Thiên Đức, khu lăng mộ của 8 vua nhà Lý khiêm tốn, giản dị.

Lễ hội đền Đô được tổ chức rất trọng thể vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15- 3 năm canh Tuất – 1010). Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời và đang ngày càng tham gia tích cực vào việc “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đình Bảng còn là quê hương có truyền thống cách mạng. Hội nghị Trung ương Đảng đã từng họp tại đây để quyết định vận mệnh của đất nước vào năm 1945. Sau khi đất nước giành được độc lập (9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm xã.

Đền Đô – Đình Bảng cũng là nơi chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ khi dải mây rồng vàng ở phía Thăng Long – Hà Nội bay về rồi tản ra đúng lúc dân làng Đình Bảng bắt đầu lễ rước “Linh bài Lý Thái Tổ và Chiếu dời đô ra Thăng Long” theo nghi lễ cổ truyền. Đền Đô Đình Bảng thực sự là điểm du lịch đầy hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước…

Ý kiến bình luận