Trang chủ VĂN HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA Sự nghiệp phát triển giáo dục sau hòa bình(1954)tới ngày nay(2010)

Sự nghiệp phát triển giáo dục sau hòa bình(1954)tới ngày nay(2010)

Sau hòa bình, đến năm học 1957-1958, trường cấp I Trang Liệt phục hồi như xưa theo sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục huyện Từ Sơn. Trường có 4 lớp, số học sinh có 112 em và có 4 giáo viên, là thầy Lê Tiến Ấp hiệu trưởng, thầy Nguyễn Ngọc Quyến, quê Hương mạc, thầy giáo Bút quê Đại Vi và cô giáo Oanh. Thời kỳ này phong trào bổ túc văn hóa đã tiếp nôi phong trào Bình dân học vụ trước đây, phát triển khá mạnh, có 2 lớp mở cho người lớn vào ban tối. Riêng ở Trang Liệt mở 1 lớp cho 36 cán bộ, do thầy giáo Nguyễn Thế Đĩnh phụ trách và giáo viên phổ thông dạy hỗ trợ. Công tác giáo dục – đào tạo của Trang Liệt ngày càng được nhân dân quan tâm, đặc biệt là có công tác khuyến học. Tất cả các cháu trong độ tuổi đi học đều được cắp sách đến trường.

Năm 1968, giặc Mỹ ném bom vào làng, san phẳng trường tiểu học Đồng Quang II ở xóm Rừng, di tích của trường tiểu học cũ chỉ  còn lại một tủ đứng bằng gỗ lim, để tại trường Tiểu học Đồng Quang II.

Lĩnh vực giáo dục hiện nay ở Trang Liệt phát triển và mở rộng quy mô toàn diện ở cả ba bậc.

  1. Trường mầm non Trang Liệt (khu nhà 2 tầng) có 8 phòng, số học sinh 210. Số cô giáo có 6 và hiệu trưởng là cô Nguyễn Thị Phương.
  2. Trường tiểu học II (khu nhà 2 tầng) số lớp có 9, số học sinh là 246. Thầy cô giáo có 11 người, hiệu trưởng là thầy Nguyễn Tiến Lợi và hiệu phó là cô Nguyễn Thị Hương.
  3. Trường phổ thông cơ sở II (khu nhà 2 tầng), số lớp có 8, số học sinh có 322. giáo viên có 21 thầy cô, hiệu trưởng là thầy Phạm Đức Bách, hiệu phó là cô Vũ Thị Thao.

Thời nay, truyền thống hiếu học của cha ông tiếp tục được những người con quê hương Trang Liệt phát huy, làm rạng rỡ cho quê hương ngàn năm văn vật. Nhiều người làng đã có trình độ học vấn cao, có học hàm, học vị như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, đã và đang giữ những cương vị cao trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, khoa học, nghệ thuật, quân sự của đất nước.

Tính đến cuối năm 2007, làng Trang Liệt có 11 người có hạm, học vị cao. Đó là:

  1. Phan Tống Sơn, sinh năm 1936, GS.TS khoa học, nhà giáo nhân dân, nguyên là phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà nội.
  2. Phan Địch Lân, sinh năm 1938, GS.TS, nguyên Viện trưởng Viện thú y quốc gia, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
  3. Ngô Hữu Lợi, sinh năm 1935, tiến sĩ khoa học kỹ thuật, ngành thực phẩm chế biến sữa.
  4. Vũ Công Quỳ, sinh năm 1942, tiến sĩ, giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà nội
  5. Ngô Hữu Thảo, sinh năm 1950, PGS.TS triết học, Phó viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1952, tiến sĩ, phó hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng.
  7. Ngô Thắng Lợi, sinh năm 1955, PGS.TS kinh tế học, giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà nội.
  8. Vũ Thị Ninh, sinh năm 1955, tiến sĩ ngôn ngữ học (tiếng Nga)
  9. Vũ Công hải, sinh năm 1969, tiến sĩ, giảng viên trường Đại học Sư phạm Xuân Hòa, Vĩnh Phúc.
  10. Nguyễn Tiến ĐÔng, sinh năm 1979 (con ông Xuân Huê), tiến sĩ kỹ thuật.
  11. Ngô Minh Đức, sinh năm 1981 (cháu ông Ngô Quý Thu), Nhà nước cử đi học Tiến sĩ Kỹ thuật Công trình sư (hàng không vũ trụ) ở Mỹ, tốt nghiệp năm 2009.

Ngoài ra còn có 28 người có bằng thạc sĩ, 426 người có bằng cử nhân, cao đẳng và khoảng 100 người có bằng trung cấp. Hiện nay, làng Trang Liệt có trên 450 sinh viên đang theo học các trường cao đẳng, đại học ở trong và ngoài nước.

Đặc biệt, sinh ra trên một quê hương trọng sự học nên người dân Trang Liệt rất tâm huyết với ngành giáo dục – đào tạo. Tôi đã sưu tầm, thống kê số người là cán bộ, công nhân viên chức thì thấy trong đó có trên 65% số người theo ngành sư phạm. Có những gia đình có mấy người làm nghề dạy học như: hai vợ chồng, con trai, con gái, con dâu… đều làm thầy, cô giáo từ trường mầm non, cấp I đến đại học.

Gắn liền với giáo dục là công tác khuyến học, khuyến tài. Ban khuyến học của làng Trang Liệt được thành lập từ năm 1997, sau đó được thành lập đến các họ tộc. Qua 10 năm, Ban khuyến học đó đã điều tra sơ bộ về trình độ học vấn của nhân dân làng để hoàn tất việc lập sổ vàng truyền thống của địa phương, nhằm động viên con em noi theo các bậc tiền bối 8 cụ nghè mà chăm lo học giỏi để thành tài giúp dân, giúp nước. Ban khuyến học đã xây dựng được quỹ khuyến học, do nhân dân tự nguyện ủng hộ, số tiền được 52 triệu. Tháng 8-2006, có 17 dòng họ lập quỹ khuyến học để tặng thưởng cho các em học sinh đỗ đạt và có thành tích cao trong học tập.

Họ Ngô, từ năm 1997, lần đầu tiên của làng, Ban khuyến học đã lập quỹ khuyến học. Họ Ngô số người có học hàm, học vị cao, hiện có 139 người. Trong đó, giáo sư, tiến sĩ có 4 người. Đặc biệt, có học sinh Ngô Hữu Thắng (Thọ Cầu) đạt huy chương vàng giải cầu lông toàn quốc, được tặng thưởng 15 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 1 cúp vàng và 1 huy chương vì sự nghiệp TDTT.

Để cổ vũ phong trào khuyến học,ngày 1/9/2009, Ban khuyến học họ Ngô tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm biểu dương điển hình học sinh tiên tiến và gia đình hiếu học (1998 – 2008). Tại đó, Ban đã tặng cho 14 học sinh học giỏi nhiều năm, mỗi em 1 lọ hoa sứ, 1 giấy chứng nhận và tặng 20 gia đình hiếu học, mối gia đình 1 lọ hoa sứ và 1 lá cờ. Điển hình cá nhân là ông Ngô Hữu Tăng, 1936, được đi dự đại hội khuyến học lần thứ 2 huyện Từ Sơn và ông Ngô Kim, sĩ quan quân đội về hưu, đã ủng hộ quỹ khuyến học làng 5 lần, từ 2000 – 2008, với số tiền là 10.500.000 đồng.

Danh sách gia đình hiếu học họ Ngô năm 2009

TT Họ tên Số con Trên ĐH ĐH
1 Ngô Hữu Khôi 4 1 1 1
2 Ngô Hữu Sáng 2 1 1 1
3 Ngô Hữu Bằng 2 1 1
4 Ngô Hữu Toản 3 3
5 Ngô Hữu Khang 2 2
6 Ngô Hữu Lợi 2 1 1
7 Ngô Hữu Phúc 2 1 1
8 Ngô Hữu Hà 3 2 1
9 Ngô Hữu Hải 2 2
10 Ngô Hữu Thi 4 4
11 Ngô Hữu Tiến 2 2
12 Ngô Hữu Quỳ 2 1 1
13 Ngô Hữu Thống 2 2
14 Ngô Hữu Quỳnh 2 2
15 Ngô Hữu Hòa 3 2 1
16 Ngô Hữu Sách 2 1
17 Ngô Kim 2 1 1
18 Ngô Xuân Hoằng 3 3
19 Ngô Hữu Thảo 3 3
20 Ngô Hữu Tuyết Tăng 2 1

Họ Vũ Công, Ban khuyến học đã xây dựng và duy trì phong trào khuyến học ngày càng phát triển và đã được hội khuyến học làng suy tôn, đi dự Đại hội biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 2 tại Hà nội. Số người có học hàm và học vị cao của họ Vũ Công là 143 người, trong đó 3 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 120 cử nhân đại học. Gia đình hiếu học tiêu biểu của họ Vũ là ông Vũ Công Chuân, 1838, danh hiệu nhà giáo ưu tú, gia đình có 7 người thì tất cả đều tốt nghiệp đại học.

Họ Phan Đình, vốn là một họ có dòng dõi khoa bảng hiếu học, là con cháu của các cụ nghè nổi danh vào thế kỷ trước, như cụ Phan Đình Dương. từ năm 1765 đến 1941, dòng họ Phan Đình có 5 cụ đỗ tú tài và 6 người đỗ bằng sectiphica hoặc dipnôme. Hiện nay, gia đình ông Phan Tống Sơn có 5 người thì 2 người là giáo sư, tiến sĩ khoa học, 2 người là tiến sĩ chuyên ngành và 1 người là đại học. Riêng ông Phan Tống Sơn còn được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Họ Nguyễn Văn, về Nho học có cụ Nguyễn Văn Chuyền thi đỗ sinh đồ (tú tài) vào năm 1783, đời Lê Trung Hưng. Ban khuyến học của họ Nguyễn Văn đã được thành lập từ năm 2001. Ban khuyến học họ lập ra quỹ khuyến học để hàng năm khen thưởng cho các học sinh giỏi. Năm 2009, có 5 học sinh thi đỗ đại học, 5 thi đỗ cao đẳng và nhiều em là học sinh giỏi các cấp. Gia đình hiếu học tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Văn có gia đình ông Nguyễn Văn Lương, cả hai ông bà đều là giáo viên cấp I – II và cả 2 con trai, 2 con gái, 1 con dâu đều là đại học.

Đã trở nên đều đặn, cứ đến cuối năm học, Ban khuyến học của làng và của các dòng tộc đều có tặng phẩm cho các cháu học sinh có thành tích học giỏi, từ cấp cơ sở đến huyện tỉnh, học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học và những học sinh nghèo vượt khó. Niên học 2006 -2007 và tính đến ngày 31/8/2008, Ban chấp hành chi hội khuyến học làng đã tuyên dương và phát phần thưởng học sinh giỏi các cấp, tổng số 152 em. Trong đó, có các em học sinh đạt danh hiệu văn hóa thể thao; số thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học là 50 em, một số em học rất giỏi, đỗ với số điểm cao, đỗ cả 2-3 trường đại học.

Tổng kết 10 năm (1997 – 2007), quỹ khuyến học của Ban chấp hành chi hội khuyến học làng đã được nhân dân ủng hộ 52 triệu. Trong dịp tổng kết, Ban chấp hành chi hội khuyến học làng đã tặng phần thưởng là 38 triệu đồng cho 1.270 em học sinh giỏi; cho 426 em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.

Theo số liệu được lập trong Sổ vàng truyền thống làng Trang Liệt, đến năm 2008, làng ta có 426 người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học; sau và trên đại học có 28 thạc sĩ, 9 tiến sĩ, trong đó có 4 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Công tác khuyến học Làng Trang Liệt đạt được nhiều thành tích như trên là do sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể quần chúng; của dòng họ và các phụ huynh học sinh cùng toàn dân đã tích cực và có lòng hảo tâm ủng hộ xâ dựng quỹ khuyến học. Đặc biệt phải kể đến là sự nhiệt tình, nêu cao tinh thần trách nhiệm của Chi hội khuyến học làng đã thường xuyên quan tâm, điều hành, lãnh đạo phong trào khuyến học, động viên, cổ vũ toàn dân làng và những người xa quê nhớ về cội nguồn, xây dựng phát triển công tác khuyến học cả về tinh thần và vật chất. Đại hội khuyến học vừa hết nhiệm kỳ, đưa những người có tâm huyết, nhiệt tình vào Ban chấp hành chi hội, điển hình như ông Nguyễn Văn Lương, làm chi hội trưởng khuyến học 12 năm liền, nay được nghỉ.

Như vậy có thể thấy người dân Trang Liệt sống trên một vùng đất “Rồng ôm hổ lượn”, đã có bề dầy truyền thống văn hóa, giáo dục và khoa cử, nên thời nào cũng có người học hành đỗ đạt, tài cao, chức trọng, đóng góp tài năng, tri thức của mình cho quê hương đất nước. Truyền thống quý báu ấy đã trở thành niềm tự hào và thật xứng đáng 4 chữ “”Mỹ tục khả phong”, “địa sinh nhân kiệt” mà cho đến nay đã và đang được người dân Trang Liệt kế thừa, phát huy mãi mãi.

Ý kiến bình luận