Trang chủ TRUYỀN THỐNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP & NHẬT Trang Liệt trước thời kì cách mạng tháng Tám (Từ 1936 – 1939 đến 9 – 3 – 1945)

Trang Liệt trước thời kì cách mạng tháng Tám (Từ 1936 – 1939 đến 9 – 3 – 1945)


Phong trào cách mạng của Trang Liệt bắt đầu được xây dựng từ thời điểm phong trào Mặt trận dân chủ 1936 – 1939 . Cuối năm 1939, đồng chí Ngô Hữu Tuyết (tức Tuấn), sau này là Trần Lê Nhân, được người anh họ là Phạm Văn Hào (ông cả Huệ) người làng Phù Lưu tham gia cách mạng từ năm 1932 – 1933 tuyên truyền và dìu dắt hoạt động cách mạng. Đồng chí Nhân được giới thiệu làm việc tại hiệu sách Đồng Xuân, ở số nhà 26 phố Hàng Gạo, trước cửa chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Đây là cơ quan tổng phát hành sách báo của Mặt trận dân chủ và sách chủ nghĩa Mác Lênin. Cửa hàng do Mặt trận dân chủ tổ chức, thực chất là nơi liên lạc của Đảng và là nơi tuyên truyền, truyền bá tư tưởng yêu nước cho các tầng lớp thanh niên, học sinh và nhân dân lúc bấy giờ. Tại đây, đồng chí Trần Lê Nhân được kết nạp vào Đoàn thanh niên dân chủ. Đồng chí thường xuyên đem sách báo, tài liệu cách mạng về Trang Liệt, Cẩm Giang, Đình Bảng… tuyên truyền cho nhóm thanh niên, học sinh tiến bộ.

Thời gian này, đồng chí Ngô Hữu Tý (tức Sơn, sau là Nguyễn Chấn) là học sinh trường Kiêm bị Đình Bảng, do thầy giáo Nữu dạy, cùng một số thanh niên, học sinh như đồng chí Nguyễn Phụ Thụ (tức Nguyễn Ly, Nguyễn Trọng Tình, Nguyễn Tiến Giao…) ở Đình Bảng đã sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng yêu nước, cách mạng. Được đồng chí Trần Lê Nhân, là anh họ, tuyên truyền và đưa tài liệu, sách báo cách mạng về cho nhóm thanh niên Trang Liệt, đồng chí Nguyễn Chấn đã chuyển sang cho nhóm học sinh Đình Bảng. Đó là các loại sách báo, như tờ “Tin tức”, “Đời nay”, “Lao động”, “Bạn dân”, “Vượt ngục”, “Vấn đề dân cày”. Ngoài đem sách báo, đồng chí Trần Lê Nhân còn giới thiệu về nước Nga Xô Viết và phong trào cách mạng vô sản cho các đồng chí Nguyễn Chấn, Phan Đình Tiếp (tức Phan Hạnh) và một số thanh niên Trang Liệt … Theo đó, lực lượng cách mạng ở Trang Liệt ngày càng phát triển.

Các tổ chức quần chúng cách mạng như Hội Tương Tế, Hội Ái Hữu, Hội Truyền bá chữ quốc ngữ ra đời, hoạt động công khai hợp pháp. Đoàn thanh niên dân chủ được thành lập đã tích cực đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh bảo vệ hòa bình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sách báo tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít và các loại báo chí công khai của Đảng. Đầu năm 1937, đồng chí Trần Lê Nhân thành lập nhóm đọc sách báo ở Trang Liệt, gồm các ông Ngô Hữu Chiêm (1913, đảng viên 01-1961), Trần Khánh Oánh, Nguyễn Quang Oánh(Trường). Trần Đình Thạc, Nguyễn Văn Ngân (1894, đảng viên 5-1948), Nguyễn Quang Bầu (tức Phó Bầu).

Ngày 2-2-1937, đoàn thanh niên dân chủ Phù Lưu, Đình Bảng và Trang Liệt do đồng chí Nhân và Chấn đã atham gia đoàn đại biểu của tỉnh Bắc Ninh trong cuộc biểu dương lực lượng, đi đón Gius-Tanh Gô Đa (Justin Go Đa) tại Hà Nội, đón ân xá tù chính trị, bỏ thuế thân, tự do nghiệp đoàn, tự do ngôn luận… Ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp khủng bố gắt gao, hoạt động của ta gặp nhiều khó khăn…Đảng chủ trương chuyển hướng đấu tranh, thành lập Mặt trân dân tộc phản đế thay cho Mặt trận dân chủ. Các đoàn thể quần chúng cũng chuyển theo, như Đoàn thanh niên dân chủ chuyển thành Đoàn thanh niên phản đế. Đồng chí Trần Lê Nhân được phân công làm việc ở tờ Tin tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ Đông Dương (105 Phùng Hưng, Hà Nội). Còn đồng chí Nguyễn Chấn tiếp tục hoạt động địa phương. Thời kỳ này, mật thám Pháp ra sức khủng bố, bắt bớ cán bộ và phá cơ sở cách mạng, nên hoạt động của ta rất khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên hàng tuần đồng chí Nguyễn Chấn vẫn tổ chức đọc báo trong hội Tương Tế, Hội Ái Hữu, Hội Truyền Bá chữ quốc ngữ… để tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, cuộc cách mạng tháng Mười Nga và tinh thần yêu nước cho thanh, thiếu niên trong làng

Cuối năm 1939, thực dân Pháp đóng cửa báo “Tờ Tin tức”, đồng chí Nhân cùng một số đồng chí khác bị bắt tại cơ quan của Mặt trận dân chủ Đông Dương và bị giam tại nhà tù Sơn La. Tình thế khó khăn, đồng chí Nguyễn Chấn cũng thôi học để chuyển sang hoạt động gây cơ sở cách mạng tại quê hương, tiếp tục củng cố tổ đọc sách báo của Đảng và tiếp xúc với những người có cảm tình với cách mạng mà đồng chí Trần Lê Nhân gây cơ sở từ trước.

Trước sự đấu tranh của phong trào cách mạng trong nước và được sự ủng hộ của Đảng cộng sản Pháp, cuối năm 1940, đế quốc Pháp ở Đông Dương phải ttrar lại tự dô cho một số tù chính trị. Đồng chí Trần Lê Nhân được trả tự do và bị quản thúc tại Trang Liệt. Nhưng đồng chí vẫn cùng với đồng chí Nguyễn Chấn tích cực hoạt động xây dựng phong trào cách mạng ở làng. Thời gian này đồng chí Nhân thường lui tới gặp các vị chức sắc, các cụ Kỳ hảo, kỳ mục có uy tín trong làng thuyết phục, đấu tranh với bọn quan lại hoặc lính tráng hay về làng quấy nhiễu, đồng thời tiếp tục gây cơ sở cách mạng.

Đầu năm 1941, đồng chí Nhân, Chấn và đồng chí Chục Tụ ở Cẩm Giang tổ chức bán tín phiếu lấy tiền ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1940). Nhiều người dân Cẩm Giang, Trang Liệt đã tham gia mua tín phiếu hoặc ủng hộ quần áo, gạo, có những người ủng hộ nồi, mâm, chậu đồng để sản xuất vũ khí… Đồng thời tổ chức nhóm đọc sách báo công khai nhằm tuyên truyền trong thanh thiếu niên tham gia cách mạng; đưa thư từ, tin tức cho các cơ quan cơ sở cách mạng ở Cẩm Giang, Phù Lưu, Đình Bảng; cất giấu tài liệu bí mật và giải quyết đơn từ ở vùng Từ Sơn, đường số 1, treo cờ đỏ búa liềm ở phố Từ Sơn, thị xã Bắc Ninh.

Cuối năm 1940, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II chuyển sang giai đoạn mới. Ngày 22-9-1940, quân Nhật tiến vào Lạng Sơn và đổ bộ vào Hải Phòng. Ngày 23-9-1940, tại Hà Nội, Pháp ký hiệp định chấp nhận yêu sách của Nhật chiếm đóng Đông Dương. Khi Nhật tiến vào Lạng Sơn, quân Pháp rút chạy, kéo theo sự tan rã của bộ máy tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, tước vũ khí quân địch để trang bị cho cách mạng và chiếm châu Bắc Sơn. Trong khi đó, nhân dân Nam Bộ gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940). Trước tình hình đó, đầu tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Bảy được triệu tập tại Đình Bảng. Hội nghị khẳng định chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược là đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xác định kẻ thù cách mạng Việt Nam lúc này là Pháp và Nhật.

Tháng 2-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và triệu tập Hội nghị trung ương lần thứ Tam (5-1941) tại Bắc Bó, Cao Bằng. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chuẩn bị lực lượng tổng khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập Mặt trận Việt Minh để thu hút tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, là công nhân, nông dân, trí thức vào Mặt trận đánh đuổi Pháp – Nhật giành độc lập dân tộc.

Tại Trang Liệt, thời kỳ đầu tiên có cơ sở Đảng là từ tháng 5-1941, khi xử ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Chu Thiện, ủy viên xứ ủy và đồng chí Lê Quang Đạo, về xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng ở Trang Liệt, Cẩm Giang, Đồng Kỵ, đồng thời lựa chọn bồi dưỡng kết nạp Đảng viên.

Ngày 18-6-1941, đồng chí Lê Quang Đạo, trưởng bạn cán sự tỉnh Bắc Ninh, đã thành lập chi bộ ghép Trang Liệt – Cẩm Giang, kết hợp ba đồng chí : Trần Lê Nhân, Nguyễn Chấn (Trang Liệt) và Lê Chẩn (Chục Tụ, Cẩm Giang) vào Đảng. Đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp phụ trách lúc ban đầu, sau đồng chí chuyển công tác nơi khác thì đồng chí Trần Lê Nhân được cử giữ chức vụ Bí thư chi bộ

Chi bộ ghép Trang Liệt – Cẩm Giang đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh và các tổ chức quần chúng ở địa phương, là các Hội: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Đoàn thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Đội thiếu niên Tiền phong cứu quốc. Giới thân sĩ, trí thức và các Đảng phái khác thừa nhận tôn chỉ mục đích của Mặt trận Việt Minh. Sau khi thành lập, Mặt trận Việt Minh ở các làng Trang Liệt – Cẩm Giang đã vận động các nhân tố tích cực có ý thức giác ngộ cách mạng, có lòng yêu nước vào Mặt trận để hoạt động sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền cách mạng.

Phong trào cách mạng của Trang Liệt và Cẩm Giang có sự hỗ trợ gắn bó với nhau rất chặt chẽ và cùng nhau hoạt động trong suốt thời gian dài những năm 1940-1945. Chi bộ ghép Trang Liệt – Cẩm Giang thường xuyên tổ chức  các trận thi đấu giao hữu bóng đá tại rừng Sặt với các xã Phù Lưu, Đình Bảng, thị trấn Từ Sơn và các nơi khác. Các cuộc thi đấu bóng đã chính là nơi trao đổi công tác, liên lạc, thư từ, tin tức bí mật của Đảng và để tổ chức các đội tự vệ, thiếu niên có trách nhiệm bảo vệ, đưa đón các đồng chí cán bộ xứ ủy về họp, qua lại ở Trang Liệt… (Sân vận động rừng Sặt là của hàng huyện).

Đêm 7-11-1941, tại gò Đống Cao (Trang Liệt giáp Cẩm Giang) chi bộ ghép Trang Liệt – Cẩm Giang tổ chức mít tinh kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga. Số người tham gia mít tinh ước độ 30 người, đa số thành niên Trang Liệt, Đình Bảng, Phù Lưu, Cẩm Giang, sau đó đi giải truyền đơn khắp nơi như: Ga Từ Sơn, trường học Đình Bảng, ga Yên Viên, Cầu Đuống. Hai đồng chí Nguyễn Chấn, Chục Tụ lợi dụng đêm tối, bí mật treo cờ Đảng trên cây gạo ở cổng thành Bắc Ninh.

Đầu năm 1942, đồng chí Nguyễn Chấn được phân công làm trưởng ban cán sự Từ Sơn. Thời kỳ này địch điên cuồng khủng bố phong trào cách mạng, nên ở nhiều nơi, phong trào lắng xuống. Cơ sở Đảng còn có chi bộ Trang Liệt- Cẩm Giàng và một số đảng viên lẽ vẫn sinh hoạt ổn định và hoạt động đều. Tháng 10-1944, đồng chí Trần Lê Nhân, Nguyễn Chấn lựa chọn các đồng chí ưu tú vào tố chức đoàn thể quần chúng cứu quốc nhằm đẩy mạnh phong trào hoạt động cách mạng ở Trang Liệt, thực hiện các nhiệm vụ mà ban cán sự đảng Từ Sơn giao cho.

Ý kiến bình luận